![]() |
Công nhân vệ sinh phải ngâm mình dưới dòng nước đen ngòm để vớt rác thải. Ảnh minh hoạ: Duy Hiệu. |
Hình ảnh nhóm thành viên một câu lạc bộ ở TP.HCM ngâm mình trong dòng nước đen kịt để vớt rác lan truyền mạnh trên mạng xã hội, khiến nhiều người xúc động trước nghĩa cử làm sạch môi trường. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo hành động này tiềm ẩn không ít nguy cơ sức khỏe, nhất là các bệnh ngoài da do tiếp xúc nước ô nhiễm, thậm chí nhiều người còn tự làm bệnh nặng hơn vì tự ý mua thuốc bôi.
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết nước bẩn chứa nhiều vi khuẩn, vi nấm và hóa chất độc hại, dễ gây ra hàng loạt bệnh ngoài da. Một trong những bệnh thường gặp là viêm nang lông do vi khuẩn hoặc vi nấm, khiến nang lông sưng đỏ, ngứa, thậm chí nổi mụn mủ. Thiếu nước sạch để tắm gội càng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển ở những vùng như da đầu, nách, vùng kín, râu hoặc lông mày.
Ngoài ra, nhiều người có thể bị viêm da tiếp xúc, với biểu hiện viêm đỏ, nổi mụn nước và ngứa dữ dội. Bệnh xảy ra khi da chạm vào nước bẩn chứa hóa chất, khí độc hoặc vi sinh vật.
Môi trường ẩm ướt sau mưa lũ cũng là điều kiện thuận lợi để nấm da phát triển. Bệnh thường xuất hiện ở kẽ ngón chân, nhất là ngón 4 và 5, gây ngứa, tróc vảy. Một số người mắc nấm bẹn với những mảng da đỏ, ngứa, bong vảy, lan rộng dần.
![]() |
Nhiều bệnh về da có thể xuất hiện khi ngâm mình trong nước bẩn. Ảnh: BVCC. |
Theo bác sĩ Thảo, không ít người thấy triệu chứng đỏ, ngứa đã tự ý mua thuốc bôi chứa corticoid. Việc dùng thuốc không đúng khiến bệnh nặng hơn, thậm chí lan rộng.
Nhiễm trùng da cũng là tình trạng dễ gặp khi tiếp xúc nước bẩn, với các biểu hiện da sưng đỏ, nóng, chảy dịch, mưng mủ hoặc loét. Vết thương có thể đóng mài vàng hoặc nâu, viêm xung quanh. Những người phải dọn dẹp vệ sinh sau lũ, thường bị xây xát da, có nguy cơ nhiễm trùng cao.
Một bệnh khác là ghẻ, do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra, thường khiến da nổi mụn nước đỏ, ngứa dữ dội về đêm. Bệnh dễ lây cho những người sống cùng nhà, gây khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.
Bác sĩ Thảo cho biết một số bệnh ngoài da có thể tự khỏi nếu vệ sinh tốt, nhưng phần lớn cần dùng thuốc uống, thuốc bôi phù hợp để khỏi hoàn toàn và tránh biến chứng. Bác sĩ Thảo khuyến cáo người dân nên hạn chế việc lội hoặc ngâm mình trong nước bẩn, nhất là nước tù đọng.
Khi buộc phải tiếp xúc, người dân cần mặc đồ bảo hộ, mang ủng, găng tay. Sau khi ra khỏi nước bẩn, phải tắm ngay bằng nước sạch, lau khô cơ thể, nhất là kẽ ngón tay, ngón chân, và tránh mặc quần áo còn ẩm.
Người dân cũng nên chuẩn bị dung dịch sát khuẩn để vệ sinh vết thương nếu có trầy xước. Không dùng chung khăn, quần áo, chậu giặt với người khác để hạn chế lây lan. Khi ngứa, không nên gãi mạnh vì có thể làm vết thương lan rộng.
Bác sĩ Thảo nhấn mạnh nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên da, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về bôi, nhất là thuốc chứa corticoid, để tránh biến chứng nặng hơn.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.
Link nội dung: https://vanhien.info/ngam-minh-vot-rac-trong-nuoc-den-nhieu-nguoi-bi-benh-da-nguy-hiem-a11219.html