Một loại virus 'ngủ quên' bỗng tái phát gây liệt mặt

Zona thần kinh không chỉ gây tổn thương da mà còn có thể dẫn đến liệt mặt nếu virus tấn công dây thần kinh số VII.

Zona là bệnh do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Ảnh: Clinicaladvisor.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang, khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết zona là bệnh do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Sau khi mắc thủy đậu, virus này không bị loại bỏ hoàn toàn mà trú ẩn trong các hạch thần kinh cảm giác.

Khi hệ miễn dịch suy yếu (do tuổi cao, stress, bệnh mạn tính, dùng thuốc ức chế miễn dịch…), virus có thể tái hoạt động và gây tổn thương da dọc theo dây thần kinh.

"Nếu virus tái hoạt tại dây thần kinh mặt (dây VII), người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng liệt mặt ngoại biên. Đây là hậu quả nặng nề nhưng có thể phòng tránh nếu phát hiện và điều trị sớm", bác sĩ Trang nói.

Dấu hiệu cảnh báo sớm zona gây liệt mặt

Theo bác sĩ Trang, biểu hiện đầu tiên thường là cảm giác đau rát, tê bì một bên mặt hoặc vùng tai, kèm theo mụn nước ở màng nhĩ, ống tai ngoài và vùng da quanh tai, vòm miệng hoặc lưỡi. Một số trường hợp không có tổn thương da rõ rệt nhưng vẫn có cảm giác đau châm chích tại chỗ.

Triệu chứng liệt mặt có thể xuất hiện ngay sau khi nổi mụn nước hoặc vài ngày sau đó. Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu:

Khó cười, không thể nhăn trán hoặc chớp mắt do mất khả năng điều khiển cơ mặt một bên.Miệng lệch, nói chuyện hoặc ăn uống khó khăn, chảy nước dãi.Mắt không nhắm kín, gây khô mắt và tăng nguy cơ loét giác mạc.Mất vị giác, giảm tiết nước mắt hoặc nước bọt.Trường hợp virus ảnh hưởng cả dây thần kinh số VIII có thể gây ù tai, giảm thính lực, chóng mặt.

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị liệt mặt vĩnh viễn và tổn thương thính giác lâu dài.

zona than kinh anh 1

Một số bệnh nhân zona biến chứng liệt mặt đã điều trị tại khoa Da liễu. Ảnh: BVCC.

Điều trị zona liệt mặt như thế nào?

"Việc điều trị zona thần kinh hiệu quả nhất là trong vòng 72 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng", bác sĩ Trang nhấn mạnh.

Các phương pháp gồm:

Thuốc kháng virus: Giúp ức chế sự phát triển của virus và giảm mức độ nghiêm trọng.Corticosteroid: Dùng trong giai đoạn đầu để giảm viêm, sưng đau và ngăn ngừa biến chứng.Thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc thuốc giảm đau thần kinh để kiểm soát triệu chứng.Chăm sóc tại chỗ: Làm sạch vùng da tổn thương để tránh nhiễm trùng thứ phát, sử dụng thuốc bôi phù hợp từng giai đoạn. Với mắt bị ảnh hưởng, cần nhỏ nước mắt nhân tạo, tra mỡ mắt và che mắt đúng cách.Vật lý trị liệu: Tập phục hồi chức năng cơ mặt kết hợp với phương pháp Đông y giúp cải thiện khả năng vận động.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Hai loại vaccine hiện được sử dụng phổ biến:

Vaccine sống giảm độc lực: Tiêm một liều duy nhất dưới da.Vaccine bất hoạt tái tổ hợp: Tiêm bắp hai liều, cách nhau từ 2 đến 6 tháng.

Vaccine được khuyến cáo cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao (suy giảm miễn dịch, đang điều trị ung thư, bệnh mạn tính...).

Ngoài ra, việc duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn hợp lý, tập luyện đều đặn, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng kéo dài cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ tái phát zona.

Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...

Link nội dung: https://vanhien.info/mot-loai-virus-ngu-quen-bong-tai-phat-gay-liet-mat-a11752.html