Để rõ hơn một số vấn đề có liên quan, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội.
PV: Xin ông có thế giới thiệu một số kết quả tổng quan trong xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội?
Ông Nguyễn Văn Chí: Đến nay, Hà Nội có 353/382 xã (đạt tỷ lệ 92,4%) đã được công nhận, trong số đó có 11 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; thị xã Sơn Tây đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019 (Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình NTM từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4/2020 là gần 56.100 tỷ đồng). Thực hiện Chương trình OCOP, đến hết năm 2019, TP đã tổ chức đánh giá, xếp hạng được 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội cẫn còn một số hạn chế trong xây dựng NTM như: Tiến độ điều chỉnh quy hoạch NTM tại một số địa phương còn chậm; công tác vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc...còn khó khăn; ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí và truyền thông trong xây dựng NTM ở Hà Nội?
Ông Nguyễn Văn Chí: Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, kịp thời và rộng khắp, trong xây dựng NTM, báo chí đóng vai trò là công cụ, phương tiện tuyên truyền, phổ biến hiệu quả. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân thông qua việc phản ánh những kiến nghị, nguyện vọng của người dân về những bất cập, những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội trong phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội triển khai thực hiện tuyên truyền về xây dựng NTM, đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đặc biệt, việc tuyên truyền nêu gương điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất làm đường giao thông đã phát huy hiệu quả khi trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. Trong chương trình OCOP, báo chí còn đóng vài trò kết nối thông tin, quảng bá hình ảnh, giới thiệu thương hiệu các sản phẩm OCOP giúp những sản phẩm này tiếp cận và mở rộng thị trường.
Tại các hội nghị giao ban triển khai công tác về NTM, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã biểu dương ghi nhận những đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, báo chí cũng đã kịp thời phát hiện, biểu dương cách làm tốt của các tập thể, cá nhân và tiếp tục đề ra giải pháp phát triển hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường…
Bên cạnh, việc tuyên truyền những kết quả nổi bật, thành tựu, gương điển hình, mô hình mới, cách làm hay về xây dựng NTM, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, về phát triển kinh tế tập thể trên cả nước, báo chí cũng đã kịp thời phản ánh thực trạng khó khăn, bất cập, những biểu hiện tiêu cực, các vấn đề bức xúc trong xã hội về xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp giúp cơ quan quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình điều hành.
PV: Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm trong công tác truyên truyền về xây dựng NTM?
Ông Nguyễn Văn Chí: Theo tôi, các cơ quan báo chí, phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, năng lực cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách triển khai đề tài xây dựng NTM.
Nội dung tuyên truyền xây dựng NTM mà nông dân muốn biết trước hết tập trung vào những thông tin, kiến thức mới về tiến bộ KHKT, những mô hình kinh tế có hiệu quả và bài học kinh nghiệm; trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nào, trồng loại cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao và những nội dung thiết thực khác mà người nông dân quan tâm, giúp cho người nông dân áp dụng trực tiếp vào trong quá trình sản xuất.
Những bài viết về xây dựng nông thôn mới dành cho đối tượng chủ yếu là những người nông dân trực tiếp sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh và làm dịch vụ nông nghiệp. Đây là chủ thể của chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, người làm báo về mảng đề tài này có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với đông đảo quần chúng nhân dân thì phải làm thế nào để đại bộ phận người dân trình độ không đồng đều dễ hiểu và dễ dàng thực hiện.
Muốn vậy, phóng viên phải tích cực đi cơ sở, thâm nhập thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, bài viết mới sinh động, thiết thực, mang hơi thở cuộc sống. Các bài viết phải phản ánh diễn biến thực tiễn đời sống nông thôn với các vấn đề “nóng” hiện nay như: Quy hoạch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật; vốn và quản lý vốn; chính sách hỗ trợ sản xuất, con giống; đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; chính sách an sinh xã hội...
Bài viết về đề tài Nông thôn mới không chỉ đơn thuần phản ánh sự việc, sự kiện mà phải phát hiện ra nguyên nhân và đưa ra những giải pháp khắc phục; bài viết phải có tính phản biện xã hội. Báo chí phải tạo ra diễn đàn để bạn đọc, các nhà quản lý, nhà chuyên môn, người nông dân chia sẻ những quan điểm suy nghĩ, ý kiến, kinh nghiệm trong xây dựng NTM. Cần đặc biệt chú ý, tránh những cách viết một chiều, ca ngợi chủ nghĩa thành tích, viết bài theo báo cáo chung chung, viết theo đặt hàng của cơ quan quản lý.
PV: Vây chúng ta cần phải làm gì để báo chí phát huy tốt hơn vai trò của mình trong xây dựng NTM trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Chí: Tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhiều người khi cho rằng, để báo chí phát huy tốt hơn vai trò của mình trong xây dựng NTM trong thời gian tới thì trước hết các cấp ủy Đảng, chính quyền phải có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền trên báo chí nói riêng về xây dựng NTM. Từ đó lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xem đây là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng niềm tin của nhân dân để thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM.
Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin, hỗ trợ các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền và duy trì các chuyên trang, chuyên mục. Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan chức năng có liên quan cần tham mưu cho Thành phố, đồng thời phối hợp với Hội Nhà báo, các cơ quan báo, đài tổ chức các cuộc thi viết về đề tài xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Qua đó, biểu dương, khen thưởng các tác phẩm báo chí chất lượng cao về đề tài xây dựng NTM để mỗi phóng viên, biên tập viên phát huy hơn nữa năng lực lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng và số lượng tác phẩm. Những cuộc thi như vậy, nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan báo chí, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của xã hội đối với chương trình xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và Nhân dân trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong mọi giai đoạn của lịch sử. Nông thôn luôn là nguồn cung cấp nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực cho đất nước, là nơi lưu giữ hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc, nơi chở che, chia bớt khó khăn và là nơi đi về cội nguồn của mỗi người dân. Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương, chính sách lớn, lâu dài của Đảng, Nhà nước được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng Nhân dân. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí, người làm báo cách mạng cần phải dành trách nhiệm, tâm huyết nhiều hơn nữa tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cần phải thường xuyên đi sâu, đi sát tìm hiểu đời sống người dân để nắm bắt tâm tư, tình cảm và đồng cảm với họ, cũng như kịp thời năm bắt hơi thở của thời cuộc và những đòi hỏi cấp thiết, nóng bỏng trên mặt trận nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Từ đó sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng, mang đậm hơi thở cuộc sống, giới thiệu những mô hình tốt, cách làm hay, đồng thời cũng đưa ra được những kiến nghị giải pháp thiết thực nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, lan tỏa những giá trị trong xây dựng NTM hướng tới một nền Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại. Mỗi nhà báo chân chính đồng hành với mặt trận Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn cần coi đó là xứ mệnh lịch sử mà mình phải dấn thân cống hiến, nỗ lực sáng tạo hết mình trong giai đoạn cách mạng hiện nay./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Dung
Link nội dung: https://vanhien.info/phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-truyen-thong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-ha-noi-a79.html