4 thành viên trong vụ phóng mới nhất của SpaceX gồm Chun Wang, Jannicke Mikkelsen, Eric Philips và Rabea Rogge.
Vụ phóng thuộc sứ mệnh Fram2, diễn ra vào đêm 31/3 (giờ Mỹ), từ Trung tâm không gian Kennedy, Florida. Sứ mệnh này đánh dấu chuyến bay vũ trụ đầu tiên có người lái quanh hai cực của Trái Đất, kéo dài 3-5 ngày, không ghé Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Bốn hành khách tham gia đều là dân thường, không phải phi hành gia chuyên nghiệp và lần đầu bay vào vũ trụ. Các thành viên phải trải qua khoảng 8 tháng đào tạo tại các cơ sở của SpaceX ở Florida, California và trong điều kiện ngoài trời như chuyến thám hiểm hoang dã ở Alaska.
Các phi hành gia của nhiệm vụ Fram2 (từ trái sang phải): Eric Phillips, Rabea Rogge, Jannicke Mikkelsen và Chun Wang. Ảnh: SpaceX
Chun Wang, 43 tuổi, là nhà đầu tư tiền điện tử người Trung Quốc, sống tại Malta. Ông tham gia với vai trò chỉ huy sứ mệnh của Fram2. Ông là đồng sáng lập F2Pool, một trong những công ty khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới. Wang chia sẻ với CNBC ông từng ghé thăm hơn 100 quốc gia trong vài năm qua, tự gọi mình là "kẻ du mục". Wang quan tâm đến không gian từ khi còn nhỏ và hành trình với Fram2 là lần đầu ông hiện thực ước mơ bay vào vũ trụ.
Thành viên thứ hai trong đoàn là Jannicke Mikkelse, 38 tuổi, nhà làm phim và quay phim từ Na Uy. Mikkelse đảm nhận chỉ huy phương tiện, chịu trách nhiệm điều hành tàu vũ trụ. Bà có kinh nghiệm làm phim và quay phim, chuyên về công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và sản xuất phim ở môi trường khắc nghiệt như Bắc Cực, đại dương. Jannicke Mikkelse từng là chuyên gia tải trọng trong chuyến bay vòng quanh cực năm 2019 (One More Orbit). Vai trò chỉ huy phương tiện của bà dựa trên kinh nghiệm kỹ thuật và khả năng quản lý hoạt động trong điều kiện khó khăn, phù hợp với sứ mệnh không gian.
Hướng dẫn viên khám phá Nam Cực chuyên nghiệp người Australia Eric Philips, 62 tuổi, là thành viên thứ 3 trong đoàn, với kinh nghiệm tham gia hơn 30 chuyến thám hiểm Bắc Cực và Nam Cực, đảm nhiệm vai phi công và sĩ quan y tế. Eric từng dẫn dắt nhiều chuyến thám hiểm ở các vùng thời tiết khắc nghiệt như Greenland, Ellesmere Island, Iceland, Svalbard và Patagonia. Vai trò phi công và sĩ quan y tế của ông dựa trên kinh nghiệm sinh tồn và hỗ trợ y tế trong môi trường khắc nghiệt, phù hợp với thách thức du hành vũ trụ.
Thành viên thứ tư là Rabea Rogge, nhà nghiên cứu robot từ Đức, đang theo đuổi bằng tiến sĩ ở Na Uy. Rogge là chuyên gia sứ mệnh, hỗ trợ các thí nghiệm khoa học trong chuyến bay. Bà có bằng thạc sĩ kỹ thuật điện tại ETH Zurich và từng là thành viên của Sáng kiến Bay không gian Học thuật Thụy Sĩ (ARIS), dẫn dắt một sứ mệnh vệ tinh.
Bốn thành viên dự định quan sát và chụp ảnh các vùng cực Trái Đất từ quỹ đạo thấp, đồng thời thực hiện 22 thí nghiệm tập trung vào cải thiện sức khỏe và hiệu suất của con người trong không gian. Các thí nghiệm bao gồm chụp X-quang cơ thể người lần đầu tiên trong không gian, trồng nấm trong môi trường vi trọng lực và nghiên cứu hiện tượng khí quyển. Dữ liệu thu thập sẽ hỗ trợ nghiên cứu cho các sứ mệnh không gian dài hạn, như dự án Artemis của NASA.
Sứ mệnh Fram2 được đặt tên theo tàu thám hiểm Bắc Cực và Nam Cực Fram của Na Uy vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phản ánh tinh thần khám phá. Đây là sứ mệnh du lịch không gian tư nhân thứ ba do SpaceX tài trợ, sau Inspiration4 (2021) và các sứ mệnh Axiom (2022) đến Trạm Vũ trụ quốc tế. Chi phí thực hiện Fram2 do Chun Wang tài trợ toàn bộ và chưa công bố con số cụ thể. Dựa trên các sứ mệnh tư nhân tương tự Inspiration4, tổng chi phí được ước tính khoảng 200 triệu USD cho cả nhóm bốn người.
Các sứ mệnh như Inspiration4 và Fram2 cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyến bay quỹ đạo. SpaceX cũng ghi nhận yêu cầu trải nghiệm không gian ngày càng tăng từ các khách hàng tiềm năng sau Inspiration4.
Du lịch vũ trụ đang là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng, với các công ty như SpaceX và Blue Origin đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm thành công. Fram2 có tiềm năng lớn trong việc mở ra cơ hội du lịch vũ trụ, nhưng hiện vẫn ở giai đoạn nghiên cứu. Để đạt được mục tiêu này, cần vượt qua nhiều thách thức về chi phí, an toàn và quy định. Trong dài hạn, nếu thành công, Fram2 có thể góp phần biến giấc mơ du lịch vũ trụ thành hiện thực cho nhiều người hơn, không chỉ giới hạn ở các tỷ phú.
Bích Phương (Theo CNN, ABC News, Space)
Link nội dung: https://vanhien.info/4-hanh-khach-tren-chuyen-du-hanh-cua-spacex-qua-cac-cuc-trai-dat-a8604.html