Nhà hàng phục vụ rau củ cả gốc, rễ giá 2 triệu đồng mỗi khách

Nhà hàng trong hẻm ở quận 1 sáng tạo thực đơn 14 món từ rau củ, tận dụng mọi phần của nguyên liệu để căn bếp không rác thải thực phẩm, chi phí khoảng 2 triệu đồng mỗi khách.

Tales by Chapter nằm trên đường Nguyễn Thành Ý, quận 1, trong một khu dân cư yên tĩnh. Nhà hàng mở cửa đầu năm, là nơi hiếm hoi tại TP HCM phục vụ đồ ăn thuần thực vật (fully plant-based) theo phong cách fine dining (cao cấp).

Đầu bếp Quang Dũng, chủ nhà hàng, cho biết ẩm thực từ rau củ (plant-based) thường bị hiểu nhầm là đồ ăn chay (vegan). Món ăn vegan có thể sử dụng nguyên liệu chế biến sẵn, đồ hộp, thức ăn nhanh miễn là không có thành phần động vật và thường bao hàm cả lối sống.

Plant-based là chế độ ăn nền thực vật, có thể sử dụng thịt động vật, trứng, sữa như thành phần phụ trong bữa ăn. Fully plant-based sử dụng thực vật hoàn toàn. Nguyên liệu cho chế độ ăn nền thực vật phải tươi, nguyên bản, không qua xử lý với chất phụ gia.

Thực đơn của nhà hàng dạng nếm thử với 14 món làm từ 10 loại rau củ, giá hơn 2 triệu đồng mỗi khách đã gồm thuế và đồ uống. Các món được chế biến bằng cách tận dụng mọi phần của nguyên liệu, từ vỏ đến ruột, từ rễ đến ngọn. Đầu bếp Quang Dũng (ảnh) cho biết không bỏ thừa nguyên liệu trong căn bếp là kim chỉ nam của nhà hàng để hạn chế rác thải thực phẩm.

Anh Dũng cho hay mô hình nhà hàng không rác thải chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng là "bài học nằm lòng" với các đầu bếp tại nhiều nhà hàng trên thế giới.

"Đầu bếp giỏi là phải đem lại giá trị cho những phần nguyên liệu thường bị bỏ đi", anh Dũng nói, đồng thời cho biết làm bếp không rác khó vì không phải phần nào của nguyên liệu cũng ăn được. Khi đó đầu bếp phải sáng tạo vượt giới hạn món ăn, có thể lên men thành đồ uống, gia vị, làm phân bón cho rau củ trồng tại vườn.

Set ba món ăn nhẹ mở màn thực đơn có nguyên liệu từ những loại rau củ quen thuộc với người Việt như lá lốt, cà chua, cà tím.

Món bánh Zero Pani Puri (màu vàng) lấy cảm hứng từ loại bánh truyền thống Ấn Độ, có lớp vỏ mỏng giòn, ôm trọn phần nhân hạt sen nghiền mịn cùng nước cốt dừa và gia vị thảo mộc masala. Điểm nhấn của món là quả cầu phân tử bên trong, chứa loại nước được lên men từ phần thừa sau cắt tỉa rau củ, được khử cồn và hòa quyện cùng các loại thảo mộc. Món ăn có vị chua thanh, hậu ngọt dịu.

Tomato tart (màu đỏ) có đế bánh làm từ khoai tây và bã cà chua sau lên men, kết hợp cùng lớp sốt pesto thơm mùi húng quế và cà chua tươi, tạo vị umami tự nhiên. Món ăn còn có đâu tây muối và ngồng cải chua nhẹ.

Món Aubergine (xanh) là sự kết hợp của cà tím nướng, quyện mùi thơm nồng từ lá lốt, mỡ hành, bọc nhân đậu phụ chiên giòn, phần thân hành baro và nấm ngọt dịu tận dụng từ món Mushroom.

Món củ dền (ảnh) sử dụng củ làm thành kem, kết hợp với quýt, được phủ lớp sữa chua làm từ dừa. Điểm nhấn là hạnh nhân nhúng nitơ lỏng làm thay đổi kết cấu, tan ra khi đưa vào miệng.

Đầu bếp Quang Dũng cho biết củ dền là một ví dụ của việc tận dụng mọi phần nguyên liệu. Phần lá đem nấu hoặc ngâm chua, vỏ rửa sạch, ngâm cùng lá có thể làm đồ uống. Phần củ để nướng, hấp, làm kem. Rễ nghiền thành bột làm gia vị. Phần bã của lá và vỏ sau khi ngâm làm đồ uống có thể tận dụng làm đồ tái chế như lót ly.

Khu vực tủ đặc biệt được đặt ở trung tâm gian bếp, chứa các sản phẩm lên men như các loại kombucha làm đồ uống, đồ muối chua, garum nấm hay men tự nhiên.

Các nguyên liệu sử dụng cho tủ lên men hầu hết là phần thừa hoặc nguyên liệu sắp hết hạn. Đầu bếp Quang Dũng cho hay lên men là phương pháp nấu nướng bền vững được nhà hàng chú trọng ứng dụng trong hầu hết món ăn. Lên men hiệu quả về mặt năng lượng, không cần nhiệt, là quá trình mà vi khuẩn tự chuyển hóa đường và protein, tạo ra sản phẩm giàu giá trị dinh dưỡng.

"Người Việt đã quen với lên men từ hàng nghìn năm, nhưng việc nghiên cứu theo hướng khoa học vẫn còn hạn chế và là điều nhà hàng đang khám phá", anh Dũng nói.

Tiêu điểm của phần ăn chính là món nấm, chế biến từ các loại nấm truffle, nấm mối, nấm hào và nấm chân dài, ăn kèm sốt hoa mù tạt vàng. Độ mềm ngọt của nấm được cân bằng bằng nấm kim châm chiên giòn và hậu vị ngọt dịu từ sốt táo tàu xay.

Món này dùng kèm với nước mắm nấm làm từ garum nấm - loại nước mắm chay được lên men từ nấm và muối, lấy cảm hứng từ garum, nước chấm cổ xưa của người La Mã làm từ cá lên men. Thay vì dùng cá, garum nấm tận dụng chân nấm thường bị bỏ đi trong quá trình sơ chế, ủ lên thành nước mắm có vị mặn và vị umami đậm.

Trà hoa cúc ngụy trang sau lớp bông gòn
 
 

Ngoài đồ ăn, nhà hàng cũng phục vụ set 5 loại đồ uống không cồn được pha chế từ nhiều loại thực vật, giá 750.000 đồng. Trà cascara món đồ uống phục vụ cuối cùng, với thành phần chính là vỏ quả cà phê, được tách ra sau khi lấy hạt để rang. Thay vì bỏ đi, phần vỏ này được phơi khô và dùng pha trà cùng các loại thảo mộc không làm mất ngủ. Đồ uống được trang trí với lớp bọt bông gòn, trà nóng rót vào tách khiến lớp bọt tan ra, để lộ một viên phân tử vị chua nhẹ.

Bích Phương

Link nội dung: https://vanhien.info/nha-hang-phuc-vu-rau-cu-ca-goc-re-gia-2-trieu-dong-moi-khach-a8981.html