Hình ảnh da có màu tím thẫm của bệnh nhân mắc bệnh não mô cầu - Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cung cấp
Dễ gây thành dịch ở khu đông người, vệ sinh kém
Theo số liệu của Viện Pasteur TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận 12 ca mắc bệnh não mô cầu tại 8/20 tỉnh, thành phố, gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… Số liệu này tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh não mô cầu.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), khoảng giữa tháng 2, khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân nam (38 tuổi) từ tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng đờ đẫn, sốt cao, lạnh run, nhức đầu nhiều, sưng đau các khớp kèm nổi tử ban tím thẫm ở đùi và hai cẳng chân.
Các bác sĩ xác định đây là ca bệnh nặng của bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh liều cao.
Bệnh viện phối hợp với cơ quan phòng dịch để theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần, phát hiện hai người nghi nhiễm bệnh. Những người này đã được điều trị sớm, giúp ngăn chặn nguy cơ diễn tiến nặng, tạm thời khống chế nguy cơ bệnh lây lan.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới bệnh có nguy cơ cao xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng.
Bệnh dễ gây thành dịch nhất là trong các nhà trẻ, gia đình, khu tập thể, khu công nghiệp mật độ người đông và điều kiện vệ sinh kém.
Làm sao sớm phát hiện nhiễm bệnh, cách phòng tránh?
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn này gây ra nhiều thể bệnh từ nhẹ đến nặng như: gây viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết trong đó có thể tối cấp, diễn tiến rất nhanh trong vài giờ có thể gây tử vong.
Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, thường gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10 - 20%. Tỉ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.
Về nguồn lây của bệnh, BS CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho hay nguồn duy nhất là con người (có thể là bệnh nhân hoặc người mang vi khuẩn không triệu chứng hay người lành mang trùng), qua đường hô hấp (tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra).
Thời gian ủ bệnh từ 1-10 ngày, trung bình 5-7 ngày. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi, hoặc thanh thiếu niên 14 đến 20 tuổi và tỉ lệ bệnh thấp ở người trên 20 tuổi.
Để phát hiện sớm nhiễm não mô cầu, bác sĩ Tiến lưu ý cần chú ý các biểu hiện sớm như sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, xuất hiện một nốt tử ban trên da hay xuất huyết kết mạc mắt trong bối cảnh có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm não mô cầu hay có tắm hồ bơi trước đó.
Về điều trị bệnh não mô cầu, mặc dù có kháng sinh điều trị hữu hiệu nhưng do tính chất nguy hiểm của bệnh, người bệnh dễ diễn tiến xấu nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Để phòng bệnh do não mô cầu, ngành y tế khuyến cáo người dân trong cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Link nội dung: https://vanhien.info/benh-nao-mo-cau-de-lay-lan-nguy-co-xuat-hien-them-ca-cong-dong-phong-benh-the-nao-a9605.html