![]() |
Ê-kíp phẫu thuật loại bỏ dương vật của bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
Ông T. (sống ở huyện Củ Chi, TP.HCM) từng đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để kiểm tra một nốt sùi nhỏ ở vùng quy đầu. Qua thăm khám, bác sĩ nghi ngờ tổn thương có dấu hiệu ác tính nên tư vấn sinh thiết nhằm xác định bản chất sang thương. Tuy nhiên, vì e ngại và lý do cá nhân, người đàn ông từ chối làm thêm xét nghiệm.
Thời gian trôi qua, vết sùi không không thuyên giảm mà còn tiến triển nhanh, lan rộng toàn bộ chiều dài dương vật, gây loét, sưng đau và viêm nhiễm nghiêm trọng. Khi quay lại bệnh viện, tổn thương đã lan đến cả vùng bìu, đau đớn, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Sau khi sinh thiết, người bệnh được chẩn đoán mắc ung thư dương vật. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dương vật, một phần da bìu và nạo hạch hai bên bẹn nhằm ngăn chặn sự lan rộng của khối u.
ThS.BS Nguyễn Đoàn Ngọc Trấn, khoa Ngoại tiết niệu, cho biết ca phẫu thuật phải thực hiện bóc tách sâu đến tầng sinh môn để loại bỏ triệt để phần ung thư. May mắn, khối u chưa lan sâu vào niệu đạo nên ê-kíp phẫu thuật vẫn có thể đưa đoạn niệu đạo ra tầng sinh môn, giúp bệnh nhân duy trì khả năng tiểu tiện, dù phải ngồi.
Bốn ngày sau mổ, ông T. hồi phục tốt, vết mổ khô, sử dụng ống thông tiểu và sẽ sớm có thể tự đi tiểu.
Ung thư dương vật là căn bệnh hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, dễ bị bỏ qua như vết sùi nhỏ, loét hoặc rỉ dịch ở đầu dương vật.
Người bệnh thường ngại đi khám vì tâm lý hoặc chủ quan, đến khi khối u lan rộng thì việc điều trị trở nên khó khăn, đôi khi phải hy sinh toàn bộ cơ quan sinh dục như trường hợp trên.
Nguyên nhân phổ biến gây ung thư dương vật là nhiễm virus HPV - loại virus lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, hẹp bao quy đầu khiến việc vệ sinh khó khăn, tạo điều kiện cho viêm nhiễm kéo dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
Bác sĩ Trấn cho biết bệnh lý này thường gặp ở nam giới trung niên trở lên. Tuy nhiên, người trẻ tuổi quan hệ tình dục không an toàn, không tiêm phòng HPV, hoặc có bất thường tại bao quy đầu cũng nằm trong nhóm nguy cơ.
“Chỉ một tổn thương nhỏ như sùi hay loét kéo dài không lành, nếu chủ quan, có thể khiến người bệnh mất hoàn toàn khả năng sinh dục và ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý”, bác sĩ Trấn cảnh báo.
Bác sĩ Trấn nhấn mạnh nếu phát hiện sớm ở giai đoạn khối u chưa xâm lấn, việc điều trị sẽ đơn giản và ít xâm lấn hơn. Một số trường hợp chỉ cần can thiệp tại chỗ như phẫu thuật cắt bao quy đầu hoặc dùng thuốc bôi. Tuy nhiên, khi ung thư đã di căn, người bệnh buộc phải điều trị tích cực bằng hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật triệt căn.
Nam giới khi nhận thấy bất kỳ tổn thương nào bất thường ở dương vật như sùi, loét, rỉ dịch, đổi màu hoặc nổi hạch vùng bẹn cần đi khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa nam học. Việc trì hoãn điều trị không chỉ gây hậu quả nặng nề về sức khỏe mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng sống và tâm lý người bệnh.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.
Link nội dung: https://vanhien.info/chu-quan-voi-vet-loet-nguoi-dan-ong-phai-cat-bo-cua-quy-a9750.html