4 nhóm người nên hạn chế ăn cà chua

03/07/2025 00:52

Cà chua rất giàu dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng phù hợp để ăn, do đó một số nhóm người nên hạn chế ăn cà chua.

    Người bị trào ngược dạ dày - thực quản nên hạn chế ăn cà chua

    Nếu bị trào ngược dạ dày - thực quản, việc hạn chế các thực phẩm có tính acid là rất quan trọng vì thực phẩm và đồ uống có tính acid cao có thể kích thích dạ dày sản xuất nhiều acid hơn, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.

    Cà chua mặc dù giàu dinh dưỡng nhưng lại là loại quả mà người bị trào ngược dạ dày - thực quản nên hạn chế ăn, lý do là cà chua có tính acid cao.

    Khi ăn cà chua, đặc biệt là cà chua sống, acid trong cà chua có thể làm tăng lượng acid trong dạ dày kích thích triệu chứng trào ngược gây ra cảm giác ợ nóng, khó chịu ở dạ dày và thực quản.

    Theo ThS.BS Trần Thị Minh Nguyệt, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc tiêu thụ quá nhiều cà chua có thể dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa và trào ngược acid. Nguyên nhân do trong cà chua chứa một lượng lớn acid malic và acid citric sẽ gây kích hoạt bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

    han che an ca chua anh 1

    Ăn nhiều cà chua dễ làm tăng trào ngược acid dạ dày - thực quản.

    Cà chua dễ làm tăng triệu chứng viêm loét dạ dày

    Trong giai đoạn viêm loét dạ dày cấp tính hoặc khi triệu chứng đang nặng, tác động gây tăng acid của cà chua thường lớn hơn lợi ích.

    Đặc biệt khi ăn cà chua sống hoặc các sản phẩm từ cà chua như sốt, súp, nước ép có thể kích thích dạ dày sản xuất nhiều acid hơn. Lượng acid tăng cao này dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày đang bị tổn thương do loét, làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau thượng vị, ợ chua, khó tiêu…

    Người bị hội chứng ruột kích thích

    Hội chứng ruột kích thích (IBS) thường gây ra các triệu chứng như đau bụng, chướng hơi, đầy bụng và thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ cả hai), nhất là khi ăn một số thực phẩm không phù hợp.

    Khi ăn cà chua, do hàm lượng chất xơ và tính acid cao trong cà chua gây khó chịu ở đường tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy ở những người bị hội chứng ruột kích thích.

    Theo Lương y Trần Đăng Tài, đối với một số người mắc bệnh tỳ vị, dạ dày yếu, phụ nữ kinh nguyệt không đều, nếu ăn cà chua chưa được nấu chín sẽ xảy ra phản ứng với acid dạ dày dễ gây đầy bụng, khó tiêu và các triệu chứng về tiêu hóa khác.

    Không có lợi cho người mắc bệnh thận

    Đối với người bị bệnh thận, điều quan trọng là phải theo dõi chế độ ăn uống vì thận của họ không thể loại bỏ các chất thải tốt như bình thường.

    Theo Quỹ Thận Hoa Kỳ, kế hoạch ăn uống với người bệnh thận bao gồm các loại thực phẩm tốt cho thận và hạn chế các loại thực phẩm và chất lỏng khác để một số khoáng chất trong những thực phẩm đó (như kali) không tích tụ ở mức cao trong cơ thể người bệnh.

    Cà chua chứa hàm lượng kali cao, khoảng 292 mg kali trong một quả cà chua cỡ vừa . Với người bị suy giảm chức năng thận, thận không thể loại bỏ lượng kali dư thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích tụ kali máu gây nguy hiểm cho tim. Ngoài ra, cà chua cũng chứa oxalat, một hợp chất có thể góp phần hình thành sỏi thận ở những người nhạy cảm hoặc có tiền sử sỏi thận.

    han che an ca chua anh 2

    Cà chua nấu chín phù hợp hơn với người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.

    Cách ăn cà chua an toàn với người có hệ tiêu hóa nhạy cảm

    Nấu chín cà chua

    Do cơ địa mỗi người khác nhau, một số người bị trào ngược vẫn có thể dung nạp được lượng nhỏ cà chua đã nấu chín. Cà chua nấu chín ở nhiệt độ cao vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và thường dễ tiêu hóa hơn cà chua sống. Quá trình nấu làm mềm vỏ và thịt cà chua đồng thời có thể làm giảm tính acid.

    Ăn khẩu phần nhỏ

    Nếu ăn một bữa ăn có cà chua hoặc sốt cà chua nên chú ý đến khẩu phần ăn. Bạn nên thử nghiệm xem cơ thể mình phản ứng thế nào với lượng cà chua khác nhau để biết nên tránh hay có thể ăn vừa phải. Ngoài ra, chia nhỏ các bữa ăn sẽ ít gây áp lực lên dạ dày giúp giảm nguy cơ cơ thắt thực quản dưới bị giãn mở ra và gây trào ngược.

    Kết hợp cà chua với thực phẩm khác

    Ăn cà chua riêng lẻ dễ dẫn đến ăn nhiều làm tăng lượng acid. Nên thử kết hợp cà chua với các thực phẩm giúp trung hòa acid. Ăn trong bữa ăn chính và không nên ăn khi bụng đói.

    Tránh các sản phẩm cà chua chế biến sẵn

    Chọn cà chua chín cây tự nhiên, có màu đỏ tươi sẽ có hương vị ngon nhất và dễ chịu hơn cho hệ tiêu hóa so với cà chua xanh hoặc chín ép. Nên tránh các sản phẩm cà chua chế biến sẵn vì các loại nước sốt cà chua đóng hộp, tương cà… thường chứa thêm đường, muối, chất bảo quản và đôi khi cả acid citric bổ sung không tốt cho hệ tiêu hóa nhạy cảm.

    Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.

    Bạn đang đọc bài viết "4 nhóm người nên hạn chế ăn cà chua" tại chuyên mục TIN TỨC.