![]() |
Người bệnh thở máy, đặt nội khí quản vì mắc sởi. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai. |
Không chỉ ở trẻ nhỏ, từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế cũng đã ghi nhận ngày càng nhiều ca mắc sởi ở người trưởng thành. Đáng chú ý, tại Hà Nội vừa qua đã xuất hiện trường hợp người lớn mắc bệnh sởi diễn tiến nặng, dẫn đến thiệt mạng.
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh nhất, với nguy cơ mắc bệnh không phân biệt độ tuổi. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy kéo dài và trong một số trường hợp người bệnh có thể không qua khỏi.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ biến chứng và thiệt mạng do sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Đối với nhóm có nguy cơ cao như người mắc bệnh phổi mạn tính (COPD), tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng, Cục Phòng bệnh khuyến cáo nên chủ động tiêm vaccine phòng sởi để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nặng.
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, người thuộc nhóm nguy cơ nên đến cơ sở y tế sớm để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời. Việc chậm trễ có thể dẫn đến biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm giác mạc...
Người dân cũng nên hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc sởi. Trong trường hợp cần thiết phải tiếp xúc, hãy đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ sau đó.
Để tăng cường sức đề kháng, người dân cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh mũi họng, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh môi trường sống, thường xuyên lau dọn bề mặt nơi ở, nơi làm việc, lớp học cũng là cách hữu hiệu để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Bộ Y tế nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vaccine sởi có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 9 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi. Đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm thì cũng cần được tiêm nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm nhắc lại vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR).
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.