Bộ Y tế chấn chỉnh tình trạng trục lợi kê đơn thuốc có sữa, TPCN

22/04/2025 18:06

Bộ Y tế yêu cầu rà soát việc kê đơn các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng trong đơn thuốc để kịp thời chấn chỉnh.

    Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), gần đây, công tác quản lý của ngành y tế và phản ánh từ truyền thông cho thấy có tình trạng một số nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu các sản phẩm sữa có liên quan đường dây sản xuất sữa giả. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phát hiện các vụ việc sản xuất và buôn bán thuốc giả với quy mô lớn.

    Để siết chặt công tác kê đơn, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc đang sử dụng, đối chiếu với danh sách các loại thuốc giả đã bị phát hiện. Nếu phát hiện vi phạm, các đơn vị phải xử lý nghiêm theo quy định.

    Thuoc gia anh 1

    Tang vật là thuốc chữa bệnh giả vừa bị công an thu giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

    Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát việc kê đơn các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng trong các đơn thuốc để kịp thời chấn chỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bao gồm:

    Kê đơn hoặc chỉ định sử dụng các loại thuốc chưa được cấp phép lưu hành.Lợi dụng việc kê đơn, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế để trục lợi hoặc chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác không vì lý chuyên môn.Hành vi bán thuốc dưới mọi hình thức của người hành nghề.Quảng cáo thuốc chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, hoặc quảng cáo sai sự thật.

    Bên cạnh đó, cơ quan này yêu cầu các bệnh viện, Sở Y tế khẩn trương triển khai giải pháp bảo đảm việc kê đơn, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.

    Quản lý, giám sát việc kê đơn, sử dụng thuốc đối với người hành nghề phù hợp với chẩn đoán, tình trạng bệnh, tính cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả. Tăng cường hoạt động dược lâm sàng trong tư vấn, giám sát kê đơn; giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và triển khai hoạt động quản lý tương tác thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Đối với việc tiêu thụ sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện), thực phẩm chức năng... cho người bệnh, người nhà.

    Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, ghi nhãn, sản phẩm không phải là thuốc nhưng lại được gán công dụng chữa bệnh, điều trị, phòng bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý. Tuyệt đối không được lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người bệnh.

    "Xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật, thông tin kịp thời để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà và người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm", công văn do Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành nêu rõ.

    Hồi ký "Hồng Sơn 'Công Chúa' - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính" kể chuyện đời, chuyện nghề thăng trầm nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thách thức của cầu thủ vàng làng bóng đá Việt Nam.