Bộ Y tế làm rõ thông tin vụ hàng vạn hộp thuốc giả vừa bị triệt phá

18/04/2025 12:11

Hơn 39.000 hộp thuốc giả bị phát hiện, phần lớn tiêu thụ qua mạng và các kênh bán lẻ. Bộ Y tế khẳng định thuốc giả không thể lọt vào bệnh viện công.

    Các loại thuốc giả vừa bị thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa.

    Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược và thuốc chữa xương khớp giả quy mô lớn trên toàn quốc. Từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã tuồn ra thị trường lượng lớn thuốc giả, thu lời gần 200 tỷ đồng.

    Lực lượng chức năng thu giữ gần 10 tấn thuốc và nguyên liệu làm thuốc giả, gồm 21 loại thuốc và nhiều hóa chất, phụ gia dùng trong sản xuất.

    Chiều 17/4, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết chưa phát hiện thấy các sản phẩm nêu trên tại các cơ sở khám chữa bệnh. Các sản phẩm thuốc giả hiện chưa thể xâm nhập vào hệ thống bệnh viện công lập do không đủ giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.

    Tuy nhiên, thuốc giả lại len lỏi phổ biến qua mạng và các kênh bán lẻ, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

    Theo thống kê từ cơ quan công an, 21 loại sản phẩm đã bị bắt giữ, trong đó có 4 loại là thuốc tân dược giả gồm:

    44 hộp nhãn Tetracyclin40 hộp nhãn Clorocid49 hộp nhãn Pharcoter52 hộp nhãn Neo-Codion

    Ngoài ra, còn có 39.323 hộp thuộc 17 loại sản phẩm nghi là thuốc đông dược giả, đều được gắn nhãn mác có nội dung như thuốc điều trị bệnh.

    thuoc gia bi thu giu anh 1

    Lực lượng công an kiểm tra thuốc tân dược giả. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa.

    Theo ông Hùng, thuốc chữa bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân, vì vậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng đều phải tuân thủ Luật Dược và các văn bản liên quan. Sản xuất, buôn bán thuốc giả là hành vi bị cấm và có thể bị xử lý hình sự, với khung hình phạt từ 2 năm tù đến mức cao nhất là tử hình.

    Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp tiền kiểm, hậu kiểm, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các vi phạm.

    Ngày 18/11/2024, Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp số 03, trong đó hai bên thống nhất chia sẻ thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh, lưu thông thuốc, bao gồm cả thuốc giả và kém chất lượng.

    Thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng từ năm 2018, các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo 389 đã phối hợp phát hiện và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm.

    Tại các địa phương, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc và phối hợp cùng lực lượng chức năng trong công tác chống thuốc giả.

    Tỷ lệ thuốc giả những năm gần đây duy trì ở mức dưới 0,1%. Trong năm 2023-2024, một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội đã phát hiện các lô thuốc giả như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion và được xử lý kịp thời.

    Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng cho hay ngày 9/1, đơn vị này và Thanh tra Bộ Y tế đã phối hợp với Cục C03, A03 - Bộ Công an tổ chức cuộc họp tăng cường phòng chống thuốc giả cùng Sở Y tế các tỉnh. Cuộc họp thống nhất sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

    Theo Bộ Y tế, báo cáo sơ bộ hiện nay, toàn bộ các thuốc giả đều không được cấp giấy đăng ký lưu hành. Các đối tượng giả nhãn mác của các thuốc đã được cấp phép lưu hành. 17 loại sản phẩm giả mà Công an Thanh Hoá đã bắt giữ, các đối tượng tự nghĩ ra tên thuốc, địa điểm sản xuất để in lên nhãn, lừa dối người tiêu dùng.

    Tuy là cơ quan chủ trì, nhưng Bộ Y tế nhấn mạnh để công tác phòng chống thuốc giả hiệu quả, cần sự phối hợp liên ngành. "Công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế, nhưng cần sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban ngành thì mới đạt hiệu quả", ông Tạ Mạnh Hùng nói.

    Hồi ký "Hồng Sơn 'Công Chúa' - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính" kể chuyện đời, chuyện nghề thăng trầm nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thách thức của cầu thủ vàng làng bóng đá Việt Nam.