![]() |
Mỹ phẩm là các sản phẩm được bôi lên da, tóc, móng tay, môi, và niêm mạc của cơ thể với mục đích làm đẹp, thay đổi diện mạo, làm sạch hoặc bảo vệ. Ảnh minh hoạ. |
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới về quản lý mỹ phẩm, thay thế Nghị định 93/2016/NĐ-CP, với nhiều điểm siết chặt quy định quảng cáo nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tăng hiệu quả quản lý.
Theo dự thảo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm sẽ không còn phải làm thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu quảng cáo sai sự thật hoặc vi phạm quy định. Nội dung quảng cáo phải đúng với bản chất, công dụng thực tế đã công bố, không được khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm là thuốc hay có tác dụng điều trị bệnh.
Dự thảo cũng liệt kê hàng loạt hành vi và từ ngữ bị nghiêm cấm trong quảng cáo mỹ phẩm. Cụ thể, không được sử dụng hình ảnh, tên, thư từ, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hay cơ sở y tế để làm công cụ quảng bá. Các ngôn từ gây hiểu nhầm về khả năng điều trị bệnh như “chữa khỏi”, “chữa viêm da”, “diệt virus”, “giảm ngay”, “xóa sẹo” đều bị cấm.
Những cụm từ phóng đại, khẳng định tuyệt đối như “trắng da thần tốc”, “trị nám vĩnh viễn trong 7 ngày”, “100% tự nhiên”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “bảo đảm 100%” không được phép xuất hiện.
Bên cạnh đó, các từ liên quan đến công dụng không được phép công bố như “giảm béo”, “kích thích mọc tóc”, “ngăn ngừa ra mồ hôi”, “xăm vĩnh viễn” cũng nằm trong danh sách cấm.
Dự thảo nêu rõ, quảng cáo mỹ phẩm không được sử dụng hình ảnh động, thực vật nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm. Tính năng sản phẩm phải phù hợp với nội dung được phép công bố theo phụ lục của Nghị định.
Về yêu cầu an toàn, tổ chức, cá nhân đưa mỹ phẩm ra thị trường phải bảo đảm sản phẩm không gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng đúng hướng dẫn. Sản phẩm phải đáp ứng giới hạn kim loại nặng, vi sinh vật và tạp chất theo tiêu chuẩn ASEAN. Việc đánh giá tính an toàn cũng phải tuân thủ hướng dẫn của Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN (ACC).
Dự thảo đồng thời bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Theo đó, nhà máy sản xuất phải có đủ nhân sự được đào tạo chuyên ngành phù hợp và theo tiêu chuẩn CGMP, có ít nhất 24 tháng kinh nghiệm. Người phụ trách sản xuất và kiểm tra chất lượng phải làm việc toàn thời gian, hoạt động độc lập với nhau. Nhân viên sản xuất cũng cần có trình độ và được đào tạo bài bản.
Nội dung quảng cáo bắt buộc phải có tên sản phẩm, công dụng, tên tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm, kèm cảnh báo theo quy định quốc tế. Nếu quảng cáo trên báo nói, báo hình, các nội dung này phải được đọc rõ ràng.
Dự thảo đang được lấy ý kiến để hoàn thiện, hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh mỹ phẩm minh bạch, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhớ sống hạnh phúc nhé!
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.