Huyện Thạch Thất có 22 xã và 1 thị trấn. Số xã xây dựng Nông thôn mới của huyện là 21 xã. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, toàn huyện có 21/21 xã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó, năm 2013 có 6 xã (Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Phùng Xá, Hạ Bằng, Bình Yên), năm 2014 có 4 xã (Tân Xã, Cần Kiệm, Thạch Xá, Đồng Trúc), năm 2015 có 3 xã (Tiến Xuân, Yên Bình, Canh Nậu), năm 2016 có 2 xã (Yên Trung, Cẩm Yên), năm 2017 có 6 xã (Lại Thượng, Phú Kim, Kim Quan, Bình Phú, Hữu Bằng, Chàng Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới.

Về tiêu chí huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, huyện Thạch Thất có 9/9 tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt 100%. Về nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng Nông thôn mới, huyện Thạch Thất không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng Nông thôn mới.
Đối chiếu với quy định tại Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới; Địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, huyện Thạch Thất đủ điều kiện trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; trình Thủ tướng Chính phủ công nhận, công bố huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.
Nhìn lại quá trình xây dựng Nông thôn mới của Thạch Thất, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện luôn ổn định và tăng trưởng đều đặn, bình quân đạt 14,92%/năm.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 13,1 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 tăng lên đạt 63 triệu đồng/người/năm.
Tổ thẩm tra nông thôn mới của Thành phố Hà Nội
Giai đoạn 2010 – 2019 huyện đã bố trí được 4.181 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ xây dựng Nông thôn mới. 100% trục chính đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, rải nhựa Asphalt; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 84% thôn có nhà văn hóa; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 81% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,58%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới, huyện Thạch Thất vẫn còn những khó khăn, hạn chế như quy hoạch Nông thôn mới và các quy hoạch khác trên địa bàn phải điều chỉnh nhiều lần. Mật độ dân số và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp lớn, số lượng lao động có tay nghề cao còn thấp. Quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến những phát sinh về ô nhiễm môi trường.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; khai thác có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư, xây dựng, nâng cao các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đến năm 2025 có trên 35% số xã đạt tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với tiêu chí phát triển đô thị nội đô.
Thời gian tới, Thạch Thất sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gắn với phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, làng nghề truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong giai đoạn 2020 - 2025.
