Nghiên cứu mới cho thấy tỉ suất sinh ở các nước giàu trên thế giới đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1960, xuống mức thấp kỷ lục hiện nay.
Hàn Quốc - thành viên OECD có tỉ suất sinh thấp nhất - Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 1 công bố kế hoạch "tái vũ trang nhân khẩu học" (demographic rearmament) tại quốc gia châu Âu này thông qua xét nghiệm khả năng sinh sản và tăng chế độ nghỉ phép chăm con. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng đã hứa hẹn nếu đắc cử sẽ thưởng tiền cho các cặp đôi để khởi động "đợt bùng nổ trẻ sơ sinh mới".
Vì đâu nên nỗi?
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố tuần trước, trung bình số trẻ em mà một phụ nữ sinh ra ở 38 nền kinh tế thuộc OECD đã giảm từ mức 3,3 trẻ/phụ nữ (năm 1960) xuống còn 1,5 trẻ/phụ nữ (năm 2022).
Nguồn: OECD - Dữ liệu: THANH BÌNH - Đồ họa: TUẤN ANH
Hệ lụy và giải pháp
Tỉ suất sinh giảm từ lâu đã là mối lo ngại của các nhà kinh tế. Họ cho rằng xã hội già hóa có thể làm giảm lực lượng lao động, làm trầm trọng thêm lạm phát, đảo lộn văn hóa tiêu dùng mà các nền kinh tế phụ thuộc vào và làm quá tải các chương trình của chính phủ do phải chăm sóc dân số già.
Tăng trưởng dân số chậm cũng là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo về già hóa dân số năm 2024 của Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trên khắp Liên minh châu ÂU (EU), mức tăng của lực lượng tham gia lao động chẳng mấy nữa sẽ không đủ để bù đắp cho mức suy giảm của dân số trong độ tuổi lao động, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động.
Cùng với tuổi thọ ngày càng tăng, tỉ suất sinh thấp cũng gây áp lực lên tài chính công vì sẽ có ít người nộp thuế - nguồn lực cần thiết để chi trả cho chi phí ngày càng tăng của dân số già. Tình trạng thiếu học sinh cũng đang khiến nhiều trường học trên khắp châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc phải đóng cửa.
Ông Willem Adema, nhà kinh tế cao cấp trong bộ phận chính sách xã hội của OECD, cho biết các nước có thể hỗ trợ tỉ suất sinh bằng cách thực hiện chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và chia sẻ công việc, trách nhiệm nuôi dạy con cái.
Nghiên cứu của OECD phát hiện mối liên hệ tích cực giữa tỉ lệ có việc làm của phụ nữ và tỉ suất sinh cao hơn, nhưng cũng thấy rằng giá nhà đang ngày càng trở thành rào cản đối với việc sinh con.
Tuy nhiên, ông Adema cho rằng ngay cả các chính sách khuyến khích như vậy cũng khó có thể nâng tỉ suất sinh lên mức sinh thay thế. Ông nói thêm "một tương lai sinh đẻ thấp" sẽ đòi hỏi các nước phải tập trung vào chính sách nhập cư cũng như "các biện pháp có thể giúp mọi người khỏe mạnh và làm việc lâu hơn, cải thiện năng suất".
2064
Đài CNN ngày 25-6 dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet dự báo 2064 sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử hiện đại mà tỉ suất tử trên toàn cầu vượt qua tỉ suất sinh. Dân số toàn cầu được dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2064 với 9,73 tỉ người và giảm xuống còn 8,79 tỉ người vào năm 2100.
Dự báo đến năm 2100, chỉ có 6 quốc gia sẽ có đủ trẻ em để duy trì dân số ổn định gồm Chad, Niger, Somalia (các quốc gia ở châu Phi), Samoa, Tonga (các đảo quốc ở Thái Bình Dương) và Tajikistan.
Tỉ lệ sinh ở Nhật giảm vì giới trẻ thiếu lãng mạn?
Một nghị viên Nhật Bản mới đây đã có phát ngôn gây tranh cãi khi cho rằng giới trẻ Nhật thiếu lãng mạn khiến cho tỉ lệ kết hôn và tỉ lệ sinh ở nước này giảm mạnh.