![]() |
Thận có thể "kiệt sức" nếu chế độ ăn kéo dài nhiều muối, đường và chất phụ gia. Ảnh: Freepik. |
Mặc dù có kích thước nhỏ, thận giữ nhiều chức năng sống còn như lọc chất thải, cân bằng dịch thể và điều hòa huyết áp. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm quen thuộc nếu tiêu thụ thường xuyên và kéo dài có thể khiến thận phải làm việc quá sức, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như sỏi thận, viêm thận, thậm chí suy thận.
Nước ngọt
Nhiều người có thói quen uống nước ngọt để giải khát mà ít để ý đến lượng phốt pho ẩn chứa trong đó, theo Times of India. Đặc biệt, các loại nước ngọt có màu sẫm thường được bổ sung phốt pho dạng phụ gia để tăng hương vị và kéo dài thời hạn sử dụng. Loại phốt pho này dễ hấp thụ hơn so với phốt pho tự nhiên trong thực phẩm, dẫn đến việc tăng nhanh nồng độ phốt pho trong máu.
Việc tiêu thụ thường xuyên các loại nước này có thể làm tăng lượng phốt pho trong máu, gây thêm gánh nặng cho thận. Nếu bạn đang gặp vấn đề về chức năng thận, nên hạn chế uống nước ngọt và ưu tiên lựa chọn nước lọc, nước trái cây tươi hoặc những loại đồ uống lành mạnh hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn
Theo một nghiên cứu năm 2022, những người tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn 24% so với người bình thường.
Các sản phẩm mì ăn liền, xúc xích, đồ hộp, khoai tây chiên, bánh snack, nước ngọt, bánh kẹo đóng gói... vốn chứa nhiều phụ gia nhân tạo, đường bổ sung, tinh bột tinh chế, chất béo không lành mạnh và natri, nhưng lại thiếu chất xơ, protein và các dưỡng chất thiết yếu.
Vì vậy, hãy ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi, nguyên chất như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Trước khi thay đổi chế độ ăn, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng chuyên về thận để được hướng dẫn phù hợp.
Thịt đỏ
Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ (NKF), protein rất cần thiết cho cơ thể nhưng tiêu thụ quá nhiều protein, đặc biệt là từ thịt đỏ như thịt cừu, có thể tạo ra lượng lớn sản phẩm thải như ure và creatinine.
Những chất thải này buộc thận phải làm việc nhiều hơn để đào thải và nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thận. Để bảo vệ thận mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng, bạn nên ưu tiên các nguồn protein dễ tiêu hóa, ít gây áp lực cho thận như đậu, sữa chua…
![]() |
Gan động vật dù chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, bạn không nên ăn quá nhiều. Ảnh minh họa: Recipes. |
Nội tạng động vật
Nội tạng động vật như gan, thận, lòng, óc và dạ dày chứa hàm lượng purin rất cao, chất khi phân hủy sẽ tạo ra axit uric trong cơ thể. Việc tiêu thụ thường xuyên các thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận và các vấn đề về chức năng thận.
Theo Mayo Clinic, những người có nguy cơ mắc bệnh thận hoặc gout nên hạn chế ăn nội tạng để kiểm soát nồng độ axit uric trong máu.
Dưa chua
Theo Every Well Health, dưa chua là món ăn được tạo ra thông qua quá trình lên men, trong đó muối (natri) được sử dụng với hàm lượng cao để ức chế vi khuẩn có hại và kéo dài thời gian bảo quản.
Tuy là món ăn phổ biến trong nhiều bữa cơm gia đình, dưa chua lại không phù hợp với người mắc bệnh thận. Lượng natri dư thừa trong dưa chua có thể khiến cơ thể giữ nước, làm tăng huyết áp và gây thêm áp lực lên thận.
Việc tiêu thụ dưa chua thường xuyên còn làm rối loạn cân bằng điện giải và dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch ở người có chức năng thận suy giảm. Vì vậy, người bệnh thận nên hạn chế các món lên men mặn như dưa chua, cà muối hoặc kim chi, đồng thời ưu tiên chế độ ăn nhạt, tươi và ít chế biến.
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm. Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.