![]() |
Nhiễm zona thần kinh là nguyên nhân người bệnh bị liệt mặt. Ảnh: Shutterstock |
ThS.BS Ngô Thị Kim Oanh, Phó khoa Châm cứu - Dưỡng sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết nữ bệnh nhân N.T.M.L. (75 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội trong tai phải, kèm theo cảm giác nóng rát lan tỏa toàn bộ vùng mặt bên phải.
Trước đó, khi thăm khám tại một cơ sở y tế, bà L. được chẩn đoán là bị liệt mặt ngoại biên do viêm tai giữa và được chỉ định điều trị tại nhà trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng không cải thiện khiến bà ngày càng lo lắng nên đã quyết định đến thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Tại đây, qua thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán mắc zona thần kinh, có biến chứng liệt mặt ngoại biên và đau dây thần kinh số V bên phải. Kết quả đánh giá theo thang điểm House-Brackmann (6 mức độ), cho thấy bệnh nhân bị liệt hoàn toàn nửa mặt phải, tương ứng mức độ nặng nhất – độ 6. Điện cơ (EMG) cũng ghi nhận tổn thương sợi trục dây thần kinh sọ số VII bên phải, ở mức độ nặng.
Sau hai tuần điều trị, các cơn đau của bệnh nhân được kiểm soát hoàn toàn. Đến tuần thứ ba, tình trạng méo mặt, chức năng cơ mặt cải thiện khoảng 50% và sau hai tháng, bà đã phục hồi hoàn toàn chức năng vận động vùng mặt.
Theo bác sĩ Oanh, liệt mặt ngoại biên là tình trạng tổn thương thần kinh mặt, dẫn đến yếu hoặc liệt các cơ mặt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cử động, cảm giác và thẩm mỹ khuôn mặt. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây liệt mặt ngoại biên là nhiễm zona thần kinh, bệnh lý do virus varicella-zoster gây ra.
Sau khi mắc thủy đậu, virus này có thể “ẩn nấp” trong các hạch thần kinh và tái hoạt động khi cơ thể suy yếu miễn dịch, gây ra zona.
Liệt mặt ngoại biên thứ phát do nhiễm zona thần kinh xảy ra khi virus tấn công các dây thần kinh mặt. Các triệu chứng của bệnh bao gồm mất hoặc giảm cử động cơ mặt, giảm cảm giác ở 2/3 trước lưỡi, chảy nước mắt, và có thể gây đau dữ dội tại vùng da bị tổn thương.
Trong giai đoạn đầu điều trị, bệnh nhân thường được điều trị kết hợp với các thuốc tây y như thuốc kháng viêm, kháng virus nhằm giảm tải lượng virus và hỗ trợ tái tạo cấu trúc thần kinh. Đồng thời, các phương pháp điều trị y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng phục hồi và giảm thiểu biến chứng cho bệnh nhân, đặc biệt trong việc hỗ trợ thần kinh hồi phục.
"Hào châm, cấy chỉ, thủy châm là các phương pháp phổ biến trong y học cổ truyền để điều trị liệt mặt ngoại biên", bác sĩ Oanh chia sẻ.
Bác sĩ Oanh cho hay việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại mang lại kết quả điều trị toàn diện, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và giảm thiểu các biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, hiệu quả của y học cổ truyền còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh và thời gian bắt đầu điều trị. Nếu được can thiệp kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể phục hồi chức năng cơ mặt trong thời gian ngắn.
Bản năng làm mẹ, bản lĩnh nuôi con
Khi bước vào hành trình làm mẹ, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên và thấy hoang mang, không biết làm thế nào khi con gặp vấn đề. Cuốn sách này được viết bởi được viết bởi bác sĩ Nhi khoa Aubrey Hargis, mang tới cho các bà mẹ nhiều kiến thức hữu ích trong năm đầu nuôi con.