Một tuần trước, Nguyễn Hoàng Toàn (35 tuổi, quê Đồng Tháp) còn đứng bếp suốt 12 giờ mỗi ngày, mồ hôi túa ra giữa gian bếp nóng hừng hực. Giờ đây, anh ngồi lặng lẽ ở dãy ghế bệnh nhân của Bệnh viện Thống Nhất, tay siết chặt tờ phiếu chẩn đoán suy tim.
"Sau cảm giác ngực đau thắt, không thở được, tôi ngất lịm. Khi tỉnh dậy đã thấy mình trên giường bệnh", Toàn kể lại, mắt còn ngơ ngác chưa tin nổi điều vừa xảy ra.
"Án tử" treo lơ lửng
Sở hữu chiều cao 1m72, cân nặng 75 kg, anh Toàn vốn có vóc dáng khỏe mạnh. Công việc bếp núc trước đây của anh cũng đòi hỏi thể lực tốt. Trước đó, anh gần như không đi khám sức khỏe định kỳ, chủ quan với những thay đổi nhỏ trong cơ thể. Mãi đến khi đột ngột ngất xỉu khi đang làm việc, người đàn ông mới thực sự để ý đến tình trạng của mình.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, sau nhiều xét nghiệm, anh được chẩn đoán suy tim cấp độ 2. Dù mức độ suy tim còn nhẹ, anh được chỉ định nhập viện theo dõi và điều trị bằng thuốc. Sau một tuần nằm viện, tình trạng khó thở giảm dần, sức khỏe anh cải thiện và được cho xuất viện.
Trước khi phát hiện bệnh, anh vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Tuy nhiên, gần đây, mỗi lần gắng sức như xách vật nặng hoặc bước lên bậc thang, anh bắt đầu cảm nhận rõ những bất thường.
"Tôi đã nhiều lần khó thở mỗi khi làm gắng sức nhưng chỉ nghĩ do cơ thể mệt mỏi vì làm việc nhiều, không ngờ đó là dấu hiệu âm thầm cảnh báo của bệnh tim", anh kể.
![]() |
Anh Toàn được chẩn đoán mắc bệnh suy tim. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Khi nhận kết quả chẩn đoán, anh Toàn rơi vào khủng hoảng. Bởi hơn ai hết, người đàn ông ý thức rõ mức độ nghiêm trọng của bệnh suy tim, cũng như thực tế phải điều trị suốt đời.
"Tôi hiểu nếu ngừng thuốc, tình trạng suy tim sẽ tiến triển nặng hơn và có thể phải thay tim. Giữ cho trái tim khỏe được ngày nào hay ngày đó", anh bộc bạch.
Trước đây, anh Toàn có thói quen uống bia gần như mỗi ngày sau giờ làm - một yếu tố đã được cảnh báo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thế nhưng, thói quen giải trí sau giờ làm này lại trở thành thú vui khó bỏ, vô tình khiến bệnh tình nặng hơn.
Cùng điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất, anh Nguyễn Hoài Lộc (38 tuổi, ngụ TP.HCM) được chẩn đoán suy tim độ 1. Bệnh nhân cho biết đã có tiền sử huyết áp cao khoảng 10 năm nay nhưng không uống thuốc thường xuyên và hay thức khuya.
Suốt 10 ngày liền, anh Lộc âm thầm chịu đựng những cơn đau thắt ngực dữ dội như bóp nghẹt lồng ngực, kèm theo cảm giác tê bì lan dọc hai tay. Cơn đau không đến rồi đi mà âm ỉ kéo dài cả ngày, khiến anh mệt mỏi nhưng vẫn chần chừ chưa đi khám. Chỉ đến khi cơ thể kiệt sức, người đàn ông mới tìm đến bệnh viện.
Các bác sĩ xác định ông mắc hẹp mạch vành - một dạng bệnh tim nguy hiểm, đồng thời đã xuất hiện dấu hiệu biến chứng suy tim. Người đàn ông được chỉ định nhập viện điều trị bằng thuốc và chờ thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, trong đó có chụp mạch vành, nhằm đánh giá mức độ tổn thương và xây dựng phác đồ điều trị tiếp theo.
Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đã suy tim
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Bé Hai, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất, trước đây suy tim thường gặp ở độ tuổi 60 trở lên, nhưng tỷ lệ này đang có xu hướng trẻ hóa đáng lo ngại. Thậm chí, tại khoa đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân mới 30 tuổi phải nhập viện vì suy tim.
Bác sĩ Hai cho biết nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự gia tăng và trẻ hóa của các bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, cùng với những thói quen sinh hoạt không lành mạnh của giới trẻ.
Nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi mắc tăng huyết áp không được điều trị, chế độ sinh hoạt không hợp lý đã bắt đầu có dấu hiệu suy tim nặng ở độ tuổi 33-34.
"Suy tim là bệnh lý mạn tính, người bệnh cần phải điều trị suốt đời", bác sĩ Hai nói.
Tuy nhiên, việc can thiệp sớm và điều trị hiệu quả các nguyên nhân gây suy tim như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, cùng với việc duy trì chế độ sống lành mạnh (tập luyện, ăn uống khoa học) có thể giúp ổn định tình trạng bệnh và ngăn ngừa tiến triển xấu.
![]() |
Đau ngực là biểu hiện thường gặp của người bị suy tim. Ảnh: Shutterstock. |
Một vấn đề đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện suy tim khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Bởi ở giai đoạn đầu, suy tim thường không biểu hiện rõ ràng, các triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt, dễ bị bỏ qua.
Theo bác sĩ Hai, tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại khoa Nội Tim mạch và được chẩn đoán suy tim chỉ chiếm khoảng 10-20%. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện. Trong khi đó, suy tim nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như đột tử.
Bác sĩ Hai khuyến cáo người dân nên chủ động khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện, điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền, qua đó giảm nguy cơ tiến triển đến các giai đoạn nặng của suy tim.
Cuốn sách "Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian" mang đến cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến quá trình lão hóa của con người. Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng những phương pháp rất đơn giản.