![]() |
Bệnh viện Bạch Mai mở rộng giờ khám bệnh thêm buổi tối và ngày cuối tuần, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân và giảm tình trạng quá tải. Ảnh: Việt Hà. |
Tay cầm chẩn đoán của bác sĩ và đơn thuốc, đứng xếp hàng tại quầy thuốc khu Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, anh Mai Văn Thế (34 tuổi, quê Phú Thọ) cho hay bản thân mua bảo hiểm y tế (BHYT) suốt mấy năm nay nhưng... chưa lần nào dùng đến.
"Thú thật lần nào vào viện tôi cũng chọn khám theo yêu cầu cho nhanh. Khu khám bảo hiểm y tế luôn đông, chờ đợi mệt mỏi. Tôi có nghe báo đài nói Luật BHYT mới nhưng tưởng không áp dụng cho khám theo yêu cầu. Giờ biết được hỗ trợ thêm dù chỉ một phần cũng quý, đỡ tốn kém", anh Thế nói, giọng ngỡ ngàng.
Tương tự, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chị Nhung (45 tuổi, quê Hưng Yên) vẫn chi trả toàn bộ chi phí, gần 7 triệu đồng, cho một lần khám tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu chỉ vì không biết quyền lợi của mình.
Chị chia sẻ: “Tôi thường xuyên bị đau đầu, đi xét nghiệm máu thì bác sĩ nói tiểu cầu tăng. Thay vì khám ở gần nhà, tôi quyết định lên thẳng Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra chuyên sâu, bao gồm cả xét nghiệm tuỷ sống”.
Chị Nhung có thẻ BHYT nhưng không xin giấy chuyển tuyến. Khi được hỏi liệu có biết BHYT vẫn thanh toán phần chi phí trong phạm vi quyền lợi kể cả khi khám theo yêu cầu, chị lắc đầu: “Tôi không biết. Chỉ muốn được khám nhanh, đỡ mất thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà”.
Sau buổi khám và làm các xét nghiệm, chị phải thanh toán tổng cộng 6,9 triệu đồng. “Chỉ mong kết quả ổn. Chứ nếu phải nhập viện điều trị mà không có giấy chuyển cơ sở KCB thì tôi không biết lấy đâu tiền chi trả”, chị lo lắng.
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews tại cơ sở y tế này, nhiều bệnh nhân đang đi khám với suy nghĩ như anh Thế, chị Nhung. Tức dù đã có thẻ BHYT, họ vẫn chấp nhận bỏ thêm tiền khám chữa bệnh theo yêu cầu để tiết kiệm thời gian mà không biết với chính sách mới, khám dịch vụ cũng được chi trả.
BHYT chi trả như thế nào cho khám dịch vụ?
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thái Sơn, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khám dịch vụ vẫn được BHYT chi trả là một chính sách rất ưu việt của BHYT, giúp người dân có điều kiện kinh tế tốt hơn được lựa chọn dịch vụ tốt hơn theo mong muốn cá nhân, nhưng vẫn đảm bảo những quyền lợi BHYT theo quy định.
Khi người bệnh sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, phần chi phí nằm trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT vẫn được thanh toán. Tuy nhiên, phần chênh lệch giữa dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu và quỹ BHYT thì người bệnh phải trả.
![]() |
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận đến khoảng 8.000-10.000 bệnh nhân mỗi ngày, nhiều bệnh nhân chọn khám theo yêu cầu để tiết kiệm thời gian. Ảnh: Việt Hà. |
"Khi người bệnh KCB theo yêu cầu, quỹ BHYT vẫn thanh toán các chi phí thuộc phạm vi quyền lợi như thuốc, dịch vụ kỹ thuật, tiền giường… theo mức giá BHYT quy định. Phần chênh lệch giữa giá dịch vụ theo yêu cầu và mức giá BHYT sẽ do người bệnh tự trả cho cơ sở y tế", ông Sơn nói với Tri Thức - Znews.
Bác sĩ Trần Thái Sơn cho biết giá công khám BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai là 50.600 đồng/lượt, còn khám theo yêu cầu (chọn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I) là 300.000 đồng/lượt. Khi đó, người bệnh sẽ tự trả phần chênh lệch 249.400 đồng/lượt. Phần còn lại 50.600 đồng, quỹ BHYT tiếp tục thanh toán theo mức hưởng trên thẻ (80%, 95% hoặc 100%), người bệnh chỉ chi trả phần còn lại (nếu có).
![]() |
Bảng giá khám theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai. |
Riêng thuốc, ông Trần Thái Sơn cho hay không có khái niệm "thuốc theo yêu cầu". Nếu thuốc thuộc danh mục BHYT chi trả, người bệnh sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi, không phân biệt khám thông thường hay khám theo yêu cầu.
Đáng chú ý, theo Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, đối với khám, chữa bệnh theo yêu cầu, cơ sở y tế phải công khai những khoản chi phí mà người bệnh cần chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT, phần chi phí chênh lệch và phải thông báo trước cho người bệnh.
![]() |
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thái Sơn, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Anh. |
Theo Bộ Y tế, chính sách này sẽ giúp người bệnh được hưởng nhiều quyền lợi hơn, đồng thời đảm bảo tính minh bạch khi người bệnh biết rõ phần chi phí được BHYT chi trả và phần mình phải tự thanh toán. Nhờ đó, người bệnh có thể chủ động hơn trong việc lựa chọn các dịch vụ y tế phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình.
Thủ tục thuận tiện hơn
Bà Vũ Nữ Anh, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho hay các quy định mới về BHYT đã bổ sung nhiều quyền lợi thụ hưởng cho người dân, đặc biệt đối với trường hợp người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Theo đó, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi được hưởng, theo quy định tại điều 22 của Luật BHYT.
Bên cạnh đó, thủ tục khi đi khám cũng được đơn giản hóa, tránh phiền hà. Cụ thể, khi đi khám, người dân chỉ cần mang theo giấy tờ phù hợp. Nếu thông tin BHYT đã được tích hợp trên căn cước công dân hoặc tài khoản VNeID mức độ 2 thì chỉ cần xuất trình giấy tờ đó, không cần mang thẻ BHYT giấy.
Nếu chưa tích hợp, có thể dùng thẻ BHYT hoặc mã số BHYT. Trường hợp thẻ chưa có ảnh thì phải kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh như căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử hoặc giấy xác nhận của công an xã, trường học.
Trẻ em dưới 6 tuổi chỉ cần xuất trình thẻ BHYT, nếu chưa được cấp thẻ thì xuất trình giấy khai sinh (bản gốc, bản sao, trích lục) hoặc giấy chứng sinh (bản gốc hoặc bản sao). Trường hợp trẻ vừa sinh, cha mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án.
Người đang chờ cấp lại hoặc đổi thẻ BHYT được dùng giấy hẹn trả kết quả của cơ quan bảo hiểm xã hội kèm giấy tờ tùy thân. Người hiến tạng nhưng chưa kịp được cấp lại thẻ vẫn được hưởng BHYT nếu xuất trình giấy ra viện kèm giấy tờ tùy thân.
Với trường hợp cấp cứu, người bệnh cần bổ sung đầy đủ các giấy tờ trên trước khi kết thúc đợt điều trị để được thanh toán BHYT.
![]() |
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cũng bổ sung nhiều quy định mới để đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh, giúp người dân tiết kiệm thời gian và giảm phiền hà. Ảnh: Việt Hà. |
Luật cũng quy định rõ, cơ sở y tế và cơ quan BHXH không được quy định thêm thủ tục hành chính ngoài quy định. Nếu cần sao chụp thẻ BHYT hoặc giấy tờ liên quan, cơ sở khám, chữa bệnh hoặc cơ quan BHXH phải tự thực hiện, chỉ sao chụp khi người bệnh hoặc người giám hộ đồng ý và không được thu bất kỳ khoản phí nào.
Những quy định mới này vừa mở rộng quyền lợi, giảm thủ tục rườm rà, vừa đảm bảo minh bạch, bảo vệ người dân khỏi các chi phí phát sinh không hợp lý.
Tuy nhiên, không phải cứ trình thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân khi đi khám chữa bệnh theo yêu cầu là người bệnh được quỹ BHYT chi trả. Theo ông Trần Thái Sơn, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế được Bộ Y tế xếp cấp chuyên sâu, kỹ thuật cao, trước ngày 01/01/2025 được xếp tuyến trung ương, để được hưởng quyền lợi BHYT khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại đây, người bệnh phải thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, người bệnh có giấy chuyển tuyến từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu và giấy này còn hiệu lực. Thứ hai, người bệnh có phiếu hẹn khám lại BHYT do chính Bệnh viện Bạch Mai cấp và vẫn còn giá trị sử dụng. Thứ ba, người bệnh mắc một trong các bệnh thuộc danh mục 62 bệnh và nhóm bệnh theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng một số bệnh trong danh mục trên có kèm điều kiện cụ thể.Vì vậy, trong trường hợp thứ ba, người bệnh nên mang theo đơn thuốc, giấy ra viện hoặc các giấy tờ liên quan từ cơ sở đã khám trước đó để làm minh chứng, nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT cho mình.
Đối với trường hợp tái khám theo phiếu hẹn khám lại, để được hưởng quyền lợi BHYT đúng tuyến, người bệnh phải bảo đảm các điều kiện như phiếu hẹn phải do Bệnh viện Bạch Mai cấp, đúng mẫu quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT.
Bên cạnh đó, Luật BHYT mới cũng đã mở rộng thêm quyền lợi, cho phép chi trả chi phí khám chữa bệnh tại nhà.
"Đây là chính sách rất nhân văn, đặc biệt hữu ích đối với người bệnh già yếu, bại liệt, khó di chuyển hoặc trong tình huống dịch bệnh. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả và tránh việc lạm dụng quỹ BHYT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan cùng với những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thực hiện thống nhất trên thực tế", ông Sơn nói.
Khoảng trống y khoa về một hội chứng quen thuộc
Căng thẳng độc hại là một hội chứng nhiều người gặp phải. Có điều, các nghiên cứu y khoa về vấn đề này chưa toàn diện. Đây là khoảng trống gây khó khăn cho việc điều trị.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn sách Tầng giếng sâu – cuốn sach mang tới cho người đọc một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về những ảnh hưởng của "nghịch cảnh thời thơ ấu" (ACE) với sức khỏe tinh thần của con người.