Biến cố bất ngờ ở tuổi 32 dù được bác sĩ cảnh báo từ trước

28/05/2025 18:06

Tăng huyết áp đang âm thầm đẩy nhiều người trẻ vào vòng nguy hiểm của đột quỵ, căn bệnh từng được xem chỉ phổ biến ở người cao tuổi.

    Một buổi sáng, anh N.T.V. (32 tuổi, TP.HCM) thức dậy với cơn đau đầu dữ dội, chóng mặt rồi bất ngờ ngã quỵ. Người nhà vội vàng đưa anh đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Kết quả chẩn đoán khiến tất cả bàng hoàng: Anh V. bị đột quỵ do xuất huyết não - một tình trạng hiếm gặp ở người trẻ.

    Đột quỵ ở tuổi 32

    Ba năm trước, trong một lần khám sức khỏe định kỳ của công ty, anh V. được phát hiện huyết áp cao tới 180 mmHg - mức nguy hiểm. Bác sĩ khuyên anh điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế tuyến huyện theo bảo hiểm y tế nhưng anh bỏ qua.

    “Tôi thấy mình khỏe mạnh, không có triệu chứng gì, nên nghĩ không cần uống thuốc”, anh V. chia sẻ. Chỉ 7 tháng sau lần cảnh báo đó, biến cố ập đến.

    Dù anh V. được cấp cứu kịp thời và kiểm soát vùng xuất huyết, di chứng để lại vô cùng nặng nề. Thời gian đầu, nam bệnh nhân gần như sống thực vật, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của gia đình. Sau thời gian dài tập luyện phục hồi chức năng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, anh hiện có thể đi lại bằng gậy, tay chân bên phải dần cải thiện nhưng vẫn cần theo dõi và điều trị lâu dài.

    Tương tự, anh D.V.T. (34 tuổi, TP.HCM) cũng đối mặt với hậu quả nghiêm trọng từ việc xem nhẹ sức khỏe. Tháng 11/2024, anh thức dậy muộn và phát hiện nửa người bên trái yếu liệt, không thể nhấc tay.

    Nghi ngờ đột quỵ, anh lập tức được đưa đến bệnh viện. Kết quả đo huyết áp lên tới 210 mmHg - mức có thể gây tử vong. Bác sĩ nhận định bệnh nhân bị nhồi máu não, di chứng khiến anh mất khả năng lao động.

    nguoi tre dot quy anh 1

    Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện. Ảnh: VietNamNet.

    Trước đó, cuối năm 2023, anh T. từng được bác sĩ cảnh báo về tình trạng tăng huyết áp nhưng không tuân thủ điều trị.

    “Tôi hay quên uống thuốc, lại thấy thuốc gây mất ngủ nên ngại dùng. Tôi không ngờ thói quen này dẫn đến huyết áp tăng cao và nhồi máu não”, anh T. tâm sự. Từ một trụ cột gia đình, anh giờ phải dựa vào mẹ để hỗ trợ di chuyển đến bệnh viện tập vật lý trị liệu.

    Hồi chuông cảnh báo

    Theo bác sĩ Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, các trường hợp như anh V. và anh T. không phải hiếm. Đột quỵ, từng được xem là “bệnh của người già”, giờ đây đang trở thành mối đe dọa lớn với người 18-45 tuổi. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, số ca đột quỵ ở người trẻ tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua. Tại Việt Nam, khoảng 10-15% tổng số ca đột quỵ hàng năm thuộc nhóm dưới 45 tuổi.

    Nguyên nhân chính là tăng huyết áp và các bất thường tim mạch như rối loạn nhịp tim (rung nhĩ). “Nhiều người lầm tưởng chỉ người già mới bị tăng huyết áp, nhưng thực tế, 25% người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên gặp tình trạng này", bác sĩ Thy nhấn mạnh.

    Các yếu tố như ăn mặn, lười vận động, hút thuốc, uống rượu bia, stress, thừa cân hoặc mắc bệnh tiểu đường đều làm tăng nguy cơ.

    Ngoài tăng huyết áp, các yếu tố khác như tăng lipid máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, lối sống không lành mạnh như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, thức khuya, ăn nhiều chất béo bão hòa cũng đẩy nhanh nguy cơ đột quỵ.

    Thừa cân làm gia tăng gánh nặng cho hệ tim mạch, trong khi lười vận động khiến tuần hoàn máu kém, dễ hình thành huyết khối. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ cũng đối mặt nguy cơ cao hơn.

    Bác sĩ Thy khuyến cáo khi bị tăng huyết áp, việc dùng thuốc là cần thiết để ổn định, nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tự ý ngừng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ có thể khiến huyết áp tăng đột ngột, gây nguy hiểm.

    Bên cạnh đó, lối sống lành mạnh - ăn nhạt, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá - là yếu tố quan trọng để phòng ngừa.

    Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.