Bộ Y tế tổng lực 'dẹp loạn' hàng giả, gian lận thương mại

25/05/2025 00:10

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát động tháng cao điểm kiểm tra, xử lý buôn lậu, hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm trên cả nước từ 15/5 đến 15/6.

    chong hang gia anh 1

    Các hộp sữa bột giả bị công an phát hiện. Ảnh: VTV.

    Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn yêu cầu các địa phương đồng loạt ra quân trong tháng cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.

    Cụ thể, từ ngày 15/5 đến 15/6, các đoàn kiểm tra đột xuất sẽ được thành lập, tập trung kiểm soát hoạt động buôn bán, sản xuất, lưu thông các mặt hàng thực phẩm thuộc quản lý ngành y tế. Mục tiêu là kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại; đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

    Cùng với đó, các địa phương sẽ thành lập tổ công tác riêng nhằm rà soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm. Những thông tin thiếu căn cứ khoa học, phóng đại công dụng sản phẩm hoặc gây hiểu lầm sẽ bị xử lý. Các nhà khoa học và quản lý ngành y tế cũng được yêu cầu ký cam kết không quảng bá sai lệch về sản phẩm.

    chong hang gia anh 2

    Công an thu giữ hàng loạt thuốc giả vào tháng 4. Ảnh: CAND.

    Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong công tác cấp phép, kiểm nghiệm, hậu kiểm và chứng nhận điều kiện sản xuất. Việc siết chặt từ đầu vào đến lưu thông sản phẩm được kỳ vọng tạo chuyển biến rõ rệt trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

    Song song, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết các thủ đoạn gian lận, hàng không rõ nguồn gốc, từ đó nâng cao cảnh giác và chủ động phòng tránh.

    Các đơn vị có trách nhiệm báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 15/6.

    Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế và tiêu dùng đã bị phát hiện. Việc phanh phui nhiều vụ vi phạm là tín hiệu tích cực, cho thấy cơ quan chức năng đã bắt đầu siết lại thị trường, nhưng cũng dấy lên lo ngại bởi còn nhiều khoảng trống trong quản lý và quảng bá sản phẩm.

    Tại Hà Nội, lực lượng chức năng triệt phá một đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, gắn mác cao cấp và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Ở Thanh Hóa, 14 đối tượng bị khởi tố trong một đường dây buôn bán thuốc tân dược giả có quy mô lớn, len lỏi vào nhiều nhà thuốc.

    Trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, sản phẩm kẹo rau củ Kera, từng được hàng loạt KOLs như Hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục quảng bá rầm rộ, bị xác định là hàng giả. Đến nay, ba KOLs này cùng nhiều đối tượng liên quan đã bị khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng.

    Về mỹ phẩm, Sở Y tế Đồng Nai đã đề nghị thu hồi, tiêu hủy nhiều sản phẩm của thương hiệu Hanayuki do công ty liên quan đến vợ chồng Đoàn Di Băng phân phối, vì vi phạm quy định ghi nhãn và không đạt chỉ số công bố.

    Tại TP.HCM và Hà Nội, quán ăn Lòng Chát gây tranh cãi khi quảng bá món lòng xe điếu dài hàng chục mét, sau đó bị kiểm tra nhưng liên tục đóng cửa, né tránh việc lấy mẫu, gây bức xúc dư luận.

    Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa vào diện rà soát sản phẩm giảm cân do DJ Ngân 98 quảng cáo, gồm loạt viên uống giảm cân như X3 (Super Detox X3), X7 (X7 Plus) và X1000 với mức giá từ vài trăm nghìn đến gần một triệu đồng mỗi sản phẩm.

    Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.