Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP: Hà Nội tiên phong nhiều giải pháp đột phá

Đăng bởi Quyết Tuấn (thực hiện)

07/12/2020 17:32

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã họp đánh giá phân hạng OCOP thành phố đợt 1 năm 2020, công nhận thêm 334 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của thành phố lên hơn 635 sản phẩm. Nhân dịp này, Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội.

    PV: Thưa ông, đến nay Hà Nội là một trong những địa phương đang dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP. Vậy ông có thể chia sẻ những điều kiện thuận lợi của Hà Nội trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP?

    Ông Nguyễn Văn Chí: So với các địa phương lân cận, Hà Nội có nhiều lợi thế trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Theo kết quả thống kê, số liệu mà chúng tôi thu thập, ước tính trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hà Nội có trên 5.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

    Xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có một chương trình tổng thể phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Trên thực tế, Chương trình OCOP đã đóng góp không nhỏ tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của từng địa phương.

    PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả cụ thể của Hà Nội trong việc phân loại đánh giá sản phẩm OCOP của Hà Nội?

    Ông Nguyễn Văn Chí: Đối với Hà Nội, sau 2 kỳ đánh giá, thành phố đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đã tiến hành 2 đợt đánh giá, phân hạng với 301 sản phẩm, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao; đạt 100,3% kế hoạch năm 2019 đề ra.

    Năm 2020, thành phố Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng khoảng 700 sản phẩm OCOP, đây là sự cố gắng nỗ lực lớn để đạt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020, thành phố đánh giá, phân hạng 1.000 sản phẩm. Đến nay, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thành phố đã tiến hành đánh giá lần 1 đối với 12 quận, huyện, thị xã với 358 sản phẩm OCOP đủ điều kiện từ 3 sao trở lên. Phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố có thêm ít nhất khoảng 700 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, đạt mục tiêu theo Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

    hn1-1607596037.jpg

    Toàn cảnh Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội lần thứ 1 năm 2020 

    Tại Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đợt 1 vào chiều ngày 16/11/2020, Hội đồng đã thẩm định đã công nhận thêm 334 sản phẩm OCOP của 84 chủ thể đến từ 10 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đủ điều kiện đề nghị UBND thành phố ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP. Cụ thể, các sản phẩm nông sản, làng nghề tiêu biểu như rau, hoa, rượu, trà, xúc xích, giò chả… đến từ các quận, huyện, thị xã: Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đông Anh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Sơn Tây, Ba Vì. Trong đó, nhóm ngành thực phẩm 227 sản phẩm, chiếm 68%; ngành đồ uống 8 sản phẩm, chiếm 5%; ngành thảo dược 3 sản phẩm, chiếm 1%; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 75 sản phẩm, chiếm 22%; ngành vải, may mặc 11 sản phẩm, chiếm 3%). Trong đó, dự kiến đề xuất Hội đồng phân hạng 3 sao: 109 sản phẩm, 4 sao: 217 sản phẩm, 5 sao: 8 sản phẩm.

    Ngoài ra, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu công việc, xây dựng quy trình đánh giá khoa học chuyên nghiệp, công tác tập huấn được tiến hành bài bản và đặc biệt là công tác chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền...Đây cũng là những yếu tố giúp cho công tác đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP được thuận lợi hơn so với các địa phương khác.

    hn2-1607596063.jpg

     

    hn3-1607596081.jpg

    hn4-1607596108.jpg

    Sự kiện Giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên do Hà Nội đăng cai tổ chức đã đạt được nhiều ý nghĩa thiết thực

    PV: Giải pháp nào để đưa những sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường trong và ngoài nước hiệu quả?

    Ông Nguyễn Văn Chí: Đây là vấn đề chúng tôi luôn trăn trở. Bởi, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thời tiết cũng như nhu cầu của thị trường. Do nhiều nguyên nhân, các làng nghề cũng gặp không ít khó trong trong tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Vì vậy, Chương trình OCOP của thành phố đã xác định rõ quan điểm là từ thị trường, lấy thị trường là tín hiệu, là mệnh lệnh để dẫn dắt sản xuất, từ đó, định hướng các sản phẩm truyền thống phải gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để hóa giải những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, thời gian qua, song song triển khai nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, tham quan, học tập kinh nghiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, chúng tôi cũng xác định tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP là nhiệm vụ trọng tâm.

    Điểm sáng tạo nổi bật cần phải nhấn mạnh là, trong 2 năm qua (2019-2020), ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP. Thông qua các chương trình trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương, không chỉ tôn vinh các chủ thể có sản phẩm được thành phố công nhận, cấp sao sản phẩm mà còn hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường chứ không thuần túy là “mình có cái gì thì mình làm cái đó”. Trong các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cũng diễn ra nhiều hội thảo kết nối giao thương sản phẩm, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP và đã có hàng trăm biên bản ký kết, ghi nhớ hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội.

    hn5-1607596150.jpg

    hn6-1607596171.jpg

    Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đa dang về chủng loại, phong phú về mẫu mã, chất lượng

    PV: Theo ông, Hà Nội đã và đang làm gì để thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm OCOP ra thị trường khu vực và thế giới

    Ông Nguyễn Văn Chí: Hằng năm, Hà Nội đón trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu khách nước người, do đó Hà Nội có nhiều thuận lợi so với các tỉnh lân cận trong quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Xác định rõ lợi thế, thành phố Hà Nội đã giao cho 3 đơn vị gồm: Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

    Để hướng các sản phẩm OCOP tới thị trường rộng lớn hơn, đặc biệt là xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025, ngoài tìm hiểu rõ thị trường tiêu thụ đối với từng nhóm sản phẩm để tổ chức sản xuất, chúng tôi sẽ triển khai một cách bài bản, hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để sản phẩm có cơ hội tiêu thụ trên thị trường thế giới. 

    hn7-1607596222.jpg

     

    hn8-1607596238.jpg

    Sự quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí truyền thông, đến các cơ quan ngoại giao và công chúng

    Như tôi đã phát biểu tại Hội nghị đánh giá Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 do Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức, đó là việc cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành bộ máy chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện chương trình này. Đặc biệt là tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vào các hệ thống phân phối, siêu thị để đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng.

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

    BÀI VIẾT TRONG CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP GIỮA TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ VĂN HIẾN VỚI VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TP. HÀ NỘI

    Quyết Tuấn (thực hiện)