Cô gái 23 tuổi mắc ung thư ác tính

21/05/2025 00:11

Suốt thời gian dài, cô gái ở Hà Nội phải sống chung với triệu chứng đau vùng cổ tay, từng được chẩn đoán là viêm khớp và điều trị nội khoa nhưng không cải thiện.

    Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân.

    Bệnh nhân là N.T.P. (23 tuổi) mắc sarcoma bao hoạt dịch - một loại ung thư mô liên kết ác tính, khó điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị. Để bảo tồn tối đa khả năng vận động, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thực hiện phẫu thuật tạo hình vi phẫu, giữ nguyên cổ tay và bàn tay cho bệnh nhân.

    Bệnh nhân có tiền sử hơn 9 năm bị chẩn đoán nhầm và điều trị không hiệu quả. Suốt thời gian dài, cô phải sống chung với triệu chứng đau vùng cổ tay, từng được chẩn đoán là viêm khớp và điều trị nội khoa nhưng không cải thiện.

    Năm 2023, bệnh nhân đã trải qua 2 lần phẫu thuật bóc tách khối u (loại bỏ khối u nhưng chưa triệt để) tại 2 cơ sở y tế khác nhau. Kết quả giải phẫu bệnh đều xác định là sarcoma bao hoạt dịch. Sau các ca mổ, bệnh nhân không tiếp tục điều trị chuyên sâu mà tự theo dõi tại nhà.

    Đến tháng 10/2024, khối u tái phát nhanh chóng, lan rộng toàn bộ cổ tay phải, gây đau nhức, sưng nề và hạn chế vận động nghiêm trọng. Lúc này, khối u lan khắp mặt trước cổ tay, kéo dài ra hai bên, tiến sát khuỷu tay, với kích thước khoảng 12-13 cm chiều dài, gần 8 cm chiều ngang và độ dày 5-7 cm.

    Khám chuyên sâu cho thấy bệnh nhân bị liệt hoàn toàn dây thần kinh giữa, khiến mất cảm giác và vận động ở một số ngón tay, đồng thời mất mạch quay (một trong 2 động mạch chính nuôi bàn tay). Tuy nhiên, bàn tay vẫn còn được tưới máu, nhiều khả năng nhờ động mạch trụ còn hoạt động.

    Trước tổn thương phức tạp, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt rộng toàn bộ khối u và kiểm tra diện cắt trong mổ để đảm bảo loại bỏ triệt để tế bào ung thư. Kết quả các diện cắt đều âm tính. Tuy nhiên, do khối u đã xâm lấn hoàn toàn động mạch quay và thần kinh giữa, việc cắt bỏ cả hai cấu trúc này là bắt buộc nhằm loại bỏ tổn thương triệt để, giảm nguy cơ tái phát.

    ung thu hiem gap anh 1

    Sau hơn 10 ngày hậu phẫu, vạt ghép sống tốt, không có dấu hiệu hoại tử.

    Sau khi khối u được loại bỏ, vùng cổ tay của P. bị khuyết toàn bộ phần mềm mặt trước, để hở gân, thần kinh, mạch máu và xương quay. Mặt sau cổ tay chỉ còn lại một mảnh da nhỏ khoảng 2-3 cm, khiến việc phục hồi chức năng trở nên rất khó khăn.

    TS.BS Dương Mạnh Chiến, chuyên gia phẫu thuật tạo hình và vi phẫu, người trực tiếp thực hiện ca mổ, cho biết với tổn thương rộng như vậy, phương án cổ điển sẽ là cắt cụt tay. Tuy nhiên, bệnh nhân còn rất trẻ nên mục tiêu hàng đầu là bảo tồn chức năng.

    Ê-kíp đã sử dụng kỹ thuật vi phẫu, lấy vạt da đùi ngoài trước gồm 3 lớp là da, mỡ và gân để che phủ toàn bộ vùng khuyết. Mạch máu từ vạt được nối vi phẫu với hệ mạch cổ tay để nuôi sống mô ghép. Đặc biệt, lớp gân được thiết kế phủ lên gân và xương nhằm hạn chế dính, hỗ trợ cải thiện vận động về sau.

    Do bao khớp cổ tay bị phá hủy, khớp mất vững nên các bác sĩ phải cố định bằng hai đinh xuyên. Dự kiến sau phẫu thuật, cổ tay sẽ không thể gập - duỗi, nhưng các ngón tay vẫn có thể vận động, giúp bảo tồn tối đa chức năng bàn tay.

    Sau hơn 10 ngày hậu phẫu, vạt ghép sống tốt, không có dấu hiệu hoại tử. Bệnh nhân đã được khâu lại vết mổ theo hướng thẩm mỹ và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

    Sarcoma bao hoạt dịch là một thể hiếm của ung thư mô liên kết, có đặc tính xâm lấn tại chỗ mạnh và có thể di căn xa - đặc biệt là lên phổi. TS Chiến cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan với các khối u phần mềm dù nhỏ và không đau.

    "Tất cả khối u xuất hiện bất thường cần được thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên sâu để được xử lý kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng hoặc di căn muộn khó kiểm soát", vị chuyên gia nhấn mạnh.

    Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.

    Bạn đang đọc bài viết "Cô gái 23 tuổi mắc ung thư ác tính" tại chuyên mục TIN TỨC.