Raj Gyawali, CEO một công ty du lịch có trụ sở gần Kathmandu, Nepal, hiểu rằng thi thoảng du khách hủy tour do ốm đau hay bận đột xuất "là điều bình thường". Nhưng đây là lần đầu tiên trong 20 năm làm du lịch, Raj gặp tình huống khách hàng người Mỹ hủy chuyến vì lo sợ du lịch nước ngoài, sau khi Tổng thống Trump đưa ra nhiều chính sách mới liên quan đến thuế và các vấn đề khác.
"Họ nói không an toàn khi đi du lịch", Raj nói về lý do khách hủy tour. Anh cũng nói thêm gần đây, người Mỹ hủy tour ngày một nhiều và cùng chung lý do kể trên. Các khách hàng của anh đều cảm thấy không thoải mái khi đến từ một quốc gia mà có thể sẽ phải đối diện nguy cơ tự phải bảo vệ mình, hoặc phải xin lỗi về tình hình hiện tại.

Du khách ghé thăm Paris, một trong những điểm đến được yêu thích nhất châu Âu. Ảnh: Reuters
Vài tháng sau nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của Donald Trump, công ty nghiên cứu Tourism Economics khảo sát và cho thấy lượng khách quốc tế đến Mỹ năm nay dự kiến giảm hơn 5%, chi tiêu dự kiến giảm 11% tương đương 18 tỷ USD. Sự sụt giảm này không diễn ra một chiều. Một số người Mỹ đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch quốc tế đã bắt đầu do dự hoặc bày tỏ sợ hãi khi nhận thấy phản ứng dữ dội từ thế giới với các chính sách, động thái của chính quyền hiện tại.
Sierra Malone, chuyên gia quan hệ công chúng người Mỹ, cảm thấy lo lắng hơn bình thường trước chuyến đi dài ngày sắp tới đến châu Âu. Chuyến đi khởi hành trong tháng 4, bắt đầu từ Pháp. Malone dày dạn kinh nghiệm và từng sống ở Anh ba năm, thừa nhận sự lo lắng trong bối cảnh hiện tại làm giảm đi sự phấn khích về chuyến đi. "Thật đáng sợ", cô nói. Malone đã không xuất cảnh từ tháng 1, luôn băn khoăn tự hỏi thế giới đang nhìn nhận người Mỹ như thế nào, có thái độ ra sao.
YouGov, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường của Anh, hồi đầu năm báo cáo mức độ ưa chuộng của người dân châu Âu với Mỹ "đã giảm đáng kể", đặc biệt ở 7 quốc gia lớn tại lục địa. Đan Mạch là quốc gia có tỷ lệ ủng hộ Mỹ thấp nhất. Theo YouGov, điều này không có gì ngạc nhiên, vì Đan Mạch có Greenland, hòn đảo bị Tổng thống Trump tuyên bố "sẽ sáp nhập". Bên cạnh đó, khoảng 30% số người được hỏi ở Thụy Điển, Đức, Pháp, Anh ủng hộ Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ của người Italy và Tây Ban Nha lần lượt là 42% và 43%.
Đối với những du khách như Lias VanderVeen, người từng dành 5-7 tuần mỗi năm để đi du lịch quốc tế, cho biết chính sách hiện tại của Mỹ "thực sự gây chú ý rõ rệt", khiến người Mỹ cân nhắc hơn khi định ra nước ngoài.
Một số người Mỹ cho biết ngày càng lo lắng cho sự an toàn của bản thân ở nước ngoài. Họ bị mâu thuẫn giữa việc không muốn trở thành mục tiêu bị công kích khi ra nước ngoài nhưng cũng cảm thấy có nghĩa vụ hoặc bổn phận phải trở thành đại sứ cho đất nước.
Malone cho biết luôn cảm thấy cần cảnh giác về việc "bị đổ lỗi cho những gì đang diễn ra" và bất lực vì không thể làm gì. Cô rất muốn nói rõ với người dân địa phương nơi cô đến mình là người Mỹ, nhưng không phải chính sách nào của đất nước, cô cũng đồng tình.
Tuy nhiên, Eduardo Santander, CEO Ủy ban Du lịch châu Âu, cho biết "không thấy có dấu hiệu nào cho thấy các sự kiện chính trị gần đây làm ảnh hưởng lượng khách Mỹ". Eduardo khẳng định "Mỹ vẫn là thị trường chính của du lịch châu Âu".
Ethical Travel Portal Norway, công ty lữ hành đối tác của Raj, cũng đã sẵn sàng cho những lời hủy tour của khách Mỹ. Raj nói hiện tại, công ty ông tập trung thể hiện sự đồng cảm với khách Mỹ, thay vì ngó lơ mối quan tâm hay sợ hãi của họ.
Nick Leighton, một chuyên gia về nghi thức xã giao tại New York, gần đây nhận được nhiều câu hỏi hơn về "cách để hòa nhập khi du lịch quốc tế" của người dân địa phương. Một số người Mỹ có ý định sẽ nhận "đến từ Canada" để tránh tình huống khó xử. Tuy nhiên, Nick không khuyến khích điều này và khẳng định "trung thực luôn là cách tốt nhất" và cho rằng người dân khắp thế giới cần gặp càng nhiều người Mỹ để nhận thấy dân Mỹ đại diện cho nhiều thứ tốt đẹp chứ không đơn giản chỉ là một cuốn hộ chiếu.
"Mọi người cần hiểu rằng chúng tôi cũng là con người và không phải tất cả đều bỏ phiếu đồng tình với những gì đang diễn ra tại đất nước mình", VanderVeen nói.
Jessica Flores, giám đốc trải nghiệm tại Tourism Cares, tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu tập trung vào tính bền vững trong ngành du lịch, khẳng định sự đồng cảm sẽ có tác dụng lớn nếu gặp phải các tình huống căng thẳng khi đi du lịch. Tìm hiểu các vấn đề lo lắng tiềm ẩn, điều chỉnh hành vi khi ở nước ngoài cũng là gợi ý để có một chuyến xuất ngoại hoàn hảo.
"Tử tế, kiên nhẫn là những điều cần thiết để xoa dịu các tình huống căng thẳng và giúp chúng ta tạo được các mối quan hệ", Flores nói.
Anh Minh (Theo CNN)