
Trạm y tế xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thường xuyên phát tờ rơi tuyên truyền sinh con an toàn - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
- Bà TRẦN THỊ BÍCH LOAN (phó cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế):
Cần nhiều chính sách để giảm tỉ lệ tử vong người mẹ
Thực tế cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ ở những địa bàn đặc biệt như miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có 60 tỉnh của dự án, vẫn còn cao so với bình quân chung của cả nước.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ tập trung vào việc nghiên cứu hoàn thiện về thể chế, chính sách về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, trong đó có việc dự phòng chăm sóc trong quá trình trước, trong và sau mang thai.
Bên cạnh đó, tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn cụ thể từ tuyến trên cho các y tế ở cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.
Bộ cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu lồng ghép các nội dung liên quan trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, như mục tiêu quốc gia về dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.
Kinh phí cho các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, như các tỉnh miền núi, vì vậy cần tiếp tục hỗ trợ cho các dự án. Ngoài ngân sách nhà nước, những nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, điều này sẽ rất hữu ích để chúng ta có thêm các điều kiện triển khai một cách hiệu quả hơn. Điều này thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em, tử vong trẻ sơ sinh ở các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi.
- Ông MATT JACKSON (trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam - UNFPA):
Can thiệp sáng tạo để giảm tử vong người mẹ tại các khu vực dân tộc thiểu số
Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp cùng các đơn vị thực hiện dự án "Không ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp sáng tạo để giảm tử vong mẹ tại các khu vực dân tộc thiểu số ở Việt Nam" tại 6 tỉnh (Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông).
Thông qua dự án, chúng tôi làm việc với bà con dân tộc thiểu số, với mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về những vấn đề như dinh dưỡng và tầm quan trọng của việc thăm khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, để bảo đảm rằng các bà mẹ nhận được sự chăm sóc sức khỏe phù hợp, cũng như các em bé sinh ra cũng được chăm sóc một cách đầy đủ.
Để cải thiện tỉ lệ tử vong mẹ ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, tôi có hai khuyến nghị: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp cận người dân, đặc biệt là phụ nữ, để nâng cao nhận thức của họ là cần lưu ý thăm khám sức khỏe trước, trong và sau khi sinh.
Thứ hai là tăng cường truyền thông về vấn đề sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, cũng như tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng có quyền quyết định chủ động liên quan đến việc sinh bao nhiêu con, cũng như sinh vào thời điểm nào và như thế nào.
Bên cạnh đó, liên quan đến cô đỡ thôn bản, chúng tôi rất coi trọng nguồn lực này, bởi họ là những người địa phương và thông hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của địa phương.
Đồng thời, họ cũng được đào tạo về những kiến thức liên quan đến sản khoa. Họ là những người có thể tư vấn cho các bà mẹ, đưa ra những lời khuyên và xác định hay nhận dạng những rủi ro có thể dẫn đến tai biến sản khoa.
Họ dễ dàng tiếp cận và đưa ra lời khuyên tới các bà mẹ nên đến thăm khám và sinh con tại cơ sở y tế, giúp giảm tỉ lệ tai biến đáng kể.
Chúng tôi rất mong muốn tất cả những người đã được đào tạo có thể gắn bó với công tác này, mặc dù chúng tôi hiểu rằng có những thách thức không nhỏ về mặt thời gian cũng như mức tiền hỗ trợ còn thấp.
Ngoài ra, các cơ sở y tế, đặc biệt là trạm y tế xã cần có đầy đủ các phương tiện y tế cần thiết. Chúng ta biết rằng người dân thường mất nhiều thời gian để đến được trạm y tế. Bởi vậy, khi họ đến được trung tâm/trạm y tế thì các cơ sở y tế phải có những thiết bị phù hợp để cung cấp vật tư và phương tiện kế hoạch hóa gia đình mà họ cần.
