Sinh con không mất tiền viện phí, còn được tiền
Sống trên lưng chừng núi huyện vùng cao Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, anh Giàng A Lừng (22 tuổi) và chị Lý Thị Số (21 tuổi) ở bản Xin Chải, xã Mù Sang cùng hai con nhỏ rộ tiếng cười đùa. Hai năm trước, chị Số cũng sinh con đầu lòng tại nhà. Cho đến lần sinh con thứ hai mới đây, chị mới được chồng đưa đến trạm y tế thăm khám và sinh con ở cơ sở y tế.
Anh Lừng chia sẻ nhiều lần được nghe trưởng bản, cán bộ y tế tuyên truyền nên đã đưa vợ đến cơ sở y tế. "Chúng tôi nghĩ đến cơ sở y tế đẻ sẽ tốn kém, sẽ phải nằm ở đấy lâu, mất thời gian, tiền bạc nên cứ đẻ ở nhà. Nhưng hóa ra không phải vậy, vợ tôi sinh xong chỉ hôm sau là về rồi. Đẻ con cũng không mất tiền, lại còn được cán bộ cho thêm 500.000 đồng nữa", anh Lừng chất phác nói.
Cũng như gia đình anh Lừng, gia đình chị Vàng Thị Sùng sau khi sinh hai con tại nhà, năm 2023 chị đã đến cơ sở y tế để sinh con. Tại xã Mù Sang tỉ lệ sinh con tại cơ sở y tế đã tăng từ 24% (2022) lên 61% (2024) và tỉ lệ phụ nữ khám thai định kỳ từ 27,2% lên 41,7%.
Theo bà Thanh, trạm y tế hiện nay đã được trang bị đầy đủ hơn, có máy nghe tim thai cầm tay, phòng sinh sạch sẽ... Đặc biệt, dự án "Không ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp sáng tạo để giảm tử vong mẹ tại các khu vực dân tộc thiểu số ở Việt Nam" do Bộ Y tế phối hợp với UNFPA, MSD triển khai nhằm giảm tử vong mẹ ở khu vực dân tộc thiểu số còn hỗ trợ chi phí đi lại 500.000 đồng cho bà mẹ khi sinh con tại trạm y tế.
Chính nhờ hỗ trợ ấy, người dân cũng bắt đầu thay đổi nhận thức, thói quen sinh con tại cơ sở y tế thay vì sinh con tại nhà.
Những chính sách đã bắt đầu có kết quả, tỉ lệ tử vong bà mẹ trên cả nước đã có những kết quả đáng khích lệ. Năm 2023, tỉ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 44/100.000, tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi đều giảm gần 4 lần...
Mặc dù vậy, việc giảm tỉ lệ sinh con tại nhà ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn là thách thức và tiếp tục cần thêm những bước đi mới, chính sách mới.