Táo bón kéo dài, loay hoay tìm cách

09/04/2025 12:11

Lối sống nhanh, nhiều người ăn ít chất xơ, ngồi nhiều, lười vận động dẫn đến táo bón kéo dài. Điều này đã dẫn đến không ít người tìm đến những sản phẩm hỗ trợ bổ sung rau củ để giảm tình trạng này.

    táo bón - Ảnh 1.

    Trẻ bị táo bón kéo dài phải nhập viện điều trị - Ảnh: THU HIẾN

    Tại sao nhiều người mua kẹo rau củ? Vụ việc kẹo rau củ Kera có chứa chất tạo ngọt sorbitol, người bán rao có tác dụng nhuận tràng nhưng không ghi trên nhãn sản phẩm.

    Nhiều người dùng viên rau củ nghĩ rằng có thể bổ sung chất xơ, thoát khỏi tình trạng táo bón mà không phải ăn rau.

    Rau ít, quảng cáo "nổ" thì nhiều

    Kết quả từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công bố cho thấy trong kẹo Kera có chứa chất tạo ngọt sorbitol với hàm lượng 33,4g/100g. Tuy nhiên thành phần này lại không được ghi trên nhãn sản phẩm như quy định.

    Tại Việt Nam, sorbitol được xem là phụ gia thực phẩm phổ biến. Đây là chất thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt, được phép sử dụng trong thực phẩm với liều lượng cho phép. 

    Đặc biệt, sorbitol có thể sử dụng như thuốc nhuận tràng, thuốc bổ hoặc được sử dụng làm tá dược trong sản xuất thuốc chứa vitamin C và các loại thuốc uống viên.

    Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bên cạnh lợi ích, sorbitol có tác dụng phụ nếu tiêu thụ quá mức. Khi ăn nhiều hơn 10g/ngày, một số người có thể gặp tình trạng tiêu chảy, đau bụng, dù tỉ lệ mắc không cao. Khi tiêu thụ quá mức, đặc biệt trên 50g mỗi ngày, sorbitol có thể gây nhuận tràng, rối loạn tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và mất cân bằng đường ruột.

    Cách đây không lâu, nhiều loại viên rau củ cũng "làm mưa làm gió" trên các diễn đàn của cha mẹ. Nhiều viên rau củ được quảng cáo có nguồn gốc xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…

    Để "nổ" về công dụng của sản phẩm này, các nơi còn quảng cáo đây là viên uống được rất nhiều người Nhật sử dụng, vì họ luôn bận rộn nên đây là giải pháp vừa tiện lợi, an toàn để bổ sung chất xơ. 

    Được biết giá cả các sản phẩm này không hề rẻ, dao động khoảng hơn 100.000 đồng đến vài trăm nghìn/sản phẩm tùy loại khác nhau. Nếu tính bình quân, mỗi viên uống này có giá bằng một mớ rau bán ngoài chợ.

    Không sản phẩm nào thay thế được rau, củ, quả

    Các chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định việc cung cấp vitamin, chất xơ từ thực phẩm tươi luôn là ưu tiên hàng đầu trong mỗi bữa ăn. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay rau củ và hoa quả là một trong bốn nhóm thực phẩm cần thiết để có một bữa ăn lành mạnh. 

    Rau cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết cho sự sống và phát triển của cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể, tăng cường sức khỏe chống lại bệnh tật.

    "Đặc biệt, rau còn cung cấp chất xơ để chống táo bón, nhanh chóng đẩy phân ra ngoài giúp loại bỏ độc tố trong đường ruột. Chất xơ còn có vai trò quét mỡ máu có trong thành mạch, giúp giảm cholesterol. 

    Chế độ ăn nhiều rau quả sẽ giúp giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ, béo phì, sỏi thận, một số loại ung thư, đái tháo đường type 2, các rối loạn về xương.

    Ngược lại, không ăn đủ rau và hoa quả là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân của 19% số ca mắc ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cục bộ, 11% số trường hợp đột quỵ. 

    Hơn 80% nguồn vitamin A sẵn có và gần 100% nguồn vitamin C được cung cấp từ rau quả", bác sĩ Hưng cho hay.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - khẳng định với lối sống công nghiệp làm cho lượng rau trong khẩu phần ăn hằng ngày không được cung cấp đủ. 

    Càng ngày người trẻ càng có xu hướng tiêu thụ ít rau đi, nên rất nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng dựa vào thực phẩm chức năng, tìm đến các viên rau củ trên thị trường để bổ sung chất xơ cho cơ thể.

    Táo bón gây ra rất nhiều hệ lụy như bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng, gây tâm lý hay cáu gắt ảnh hưởng đến cuộc sống.

    Tuy nhiên, viên rau củ chỉ là giải pháp tình thế, ngắn ngày, chỉ sử dụng trong điều kiện không thể ăn rau, ăn rau không đủ khối lượng như đi du lịch, đến nơi thiếu thực phẩm, hay đang tập ăn tăng dần lượng rau cho người trẻ... Cốt yếu nhất vẫn là ăn trực tiếp rau, quả vì những lợi ích kỳ diệu của chúng đối với sức khỏe.

    Bác sĩ Hiếu lý giải rau củ tự nhiên cung cấp hai phần xơ, một là phần xơ hòa tan, hai là phần xơ không tan. Đối với phần xơ hòa tan, viên rau củ có thể đáp ứng được, nhưng phần xơ không tan sẽ không đáp ứng được.

    Phần xơ không tan khi ăn có tác dụng lớn nhất là tạo nên khối lượng phân, giữ khối lượng nước trong phân, có tác dụng đào thải những sản phẩm cặn bã dư thừa sau quá trình tiêu hóa. Do vậy nó ngừa được một số loại ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng, ngừa táo bón.

    Bác sĩ Hiếu khuyến cáo lượng rau xanh tối thiểu được tiêu thụ là 400g/ngày, nên ăn 2-3 loại rau/bữa để có thể tận dụng được đầy đủ lợi ích từ chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, chất xơ tan và cả xơ không hòa tan.

    Chớ coi thường táo bón, luyện cho trẻ ăn đủ chất xơ từ nhỏ

    Bác sĩ CKI Dư Minh Trí, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho hay với trẻ nhỏ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón như do trẻ cố nhịn không đi cầu vì trẻ mải chơi, trẻ bị rách hậu môn… Điều này thường gặp ở lứa tuổi học trò do nhà vệ sinh dơ, thiếu sự riêng tư hay bị trêu chọc.

    Việc nhịn đi cầu quá lâu sẽ khiến cho phân trở nên khô và cứng. Ngoài ra việc nhịn đi cầu cũng khiến cho đường ruột quen với việc có khối phân lớn bên trong nên sẽ không tạo nhu động ruột để tạo cảm giác mắc cầu khi có phân.

    Bên cạnh đó, do trẻ không ăn đủ chất xơ, uống không đủ nước, trong khi chất xơ rất quan trọng giúp kích thích ruột hoạt động tạo ra các nhu động ruột thường xuyên và đều đặn.

    Để phòng ngừa táo bón cần cho trẻ uống đủ nước, thường được tính là 50ml nước cho mỗi kg cân nặng mỗi ngày. Nghĩa là nếu trẻ nặng 10kg thì trẻ cần uống tối thiểu 500ml nước (tương đương một chai nước suối) mỗi ngày.

    Ngoài ra, trẻ phải ăn đủ chất xơ bằng cách bổ sung ít nhất một muỗng rau cho mỗi bát cháo hay cơm, cho trẻ ăn thêm trái cây như táo, chuối, đu đủ… hằng ngày. Tập thói quen đi cầu cho trẻ bằng cách cho trẻ ngồi cầu sau khi ăn khoảng 20 phút. Mỗi lần ngồi khoảng vài phút nhưng không nên quá 5 phút/lần.

    Táo bón kéo dài, loay hoay tìm cách - Ảnh 2.Vì sao chúng ta bị táo bón?

    Khi tuổi tác càng cao, có những thay đổi trong thói quen đi vệ sinh, dẫn đến táo bón và gây khó chịu, theo Washington Post.

    Đọc tiếp Về trang Chủ đề

    Bạn đang đọc bài viết "Táo bón kéo dài, loay hoay tìm cách" tại chuyên mục TIN TỨC.