Vì sao khí CO không màu, không mùi giết người nhanh chóng?

28/05/2025 18:06

Carbon Monoxide (CO) là một khí không màu, không mùi, không vị và rất độc hại. Chúng được mệnh danh là "sát nhân thầm lặng" do đặc tính khó nhận biết bằng giác quan thông thường.

    Ngộ độc Carbon Monoxide (CO) là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, với hàng chục ca tử vong và hàng trăm trường hợp nhập viện mỗi năm. Ảnh: Freepik.

    Tại nhà máy gạch men xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nhóm công nhân tăng ca bất ngờ gặp sự cố nghiêm trọng. Khi đang làm việc gần khu vực lò đốt, 5 công nhân bất ngờ đau đầu, chóng mặt rồi bất tỉnh vào đêm 25/5.

    Bi kịch từ lò đốt, máy phát điện và nhà bếp

    Đồng nghiệp nhanh chóng đưa các nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cách đó gần 15 km. Tuy nhiên, hai công nhân là Nguyễn Long Sang (38 tuổi) và Nguyễn Hoàng Quang Lê (26 tuổi) không qua khỏi trên đường cấp cứu, nghi do ngộ độc khí CO.

    Ba công nhân khác - Đặng Cao Hiến (44 tuổi), Nguyễn Tấn Huy (34 tuổi), và Lê Văn Ngọc (40 tuổi) - may mắn thoát nguy, đang được điều trị tích cực.

    Một số nhân chứng cho biết họ phát hiện nhóm nạn nhân bất tỉnh gần trạm cấp khí lò gạch men, người dính bụi than nhưng không có dấu vết thương tích. Các nạn nhân kể lại trước khi ngất đã có cảm giác hoa mắt, chóng mặt và buồn nôn.

    Cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ việc.

    ngo doc khi CO anh 1

    Các công nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Vietnamnet.

    Giữa tháng 8/2024, các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cũng tiếp nhận liên tiếp nhiều ca ngộ độc khí CO nghiêm trọng. Trong đó, 3 bệnh nhân là công nhân làm việc trong căn bếp của một nhà hàng tại Hà Nội.

    Một người nhớ lại, sáng xảy ra sự cố, 6 người cùng làm việc trong bếp rộng chỉ 25-30 mét vuông, kín gió và không có mùi lạ. Tuy nhiên, đến khoảng 9 giờ, anh bất ngờ bị ngất xỉu. Tỉnh lại trong bệnh viện, người đàn ông được bác sĩ thông báo nồng độ CO trong máu (HbCO) lên tới hơn 30%, trong khi mức bình thường dưới 1%, khiến nguy cơ tổn thương não và trí nhớ rất cao.

    Sau hơn 10 ngày điều trị bằng ô-xy cao áp và thuốc dự phòng, bệnh nhân vẫn mệt mỏi, sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn.

    Ngoài ra, một gia đình gồm 3 người ở Nghệ An cũng gặp sự cố tương tự khi sử dụng máy phát điện để chạy điều hòa trong căn phòng kín rộng 15-20 mét vuông trong đêm mất điện. Sáng hôm sau, người thân phát hiện cả 3 người - hai mẹ con và người bố - hôn mê, bên cạnh có dấu hiệu nôn ói.

    Người bố may mắn chỉ bị ngộ độc nhẹ, đã xuất viện, nhưng hai mẹ con nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tổn thương đa cơ quan, đặc biệt ở não, tim, phổi và cơ. Các bác sĩ cảnh báo di chứng lâu dài có thể xảy ra, đồng thời khuyến cáo người bố cần kiểm tra sức khỏe và có thể phải điều trị bằng ô-xy cao áp để phòng tránh di chứng não muộn.

    Khí độc âm thầm tước đoạt mạng sống

    Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết ngộ độc Carbon Monoxide (CO) là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, với hàng chục ca tử vong và hàng trăm trường hợp nhập viện mỗi năm.

    CO là hợp chất gồm một nguyên tử carbon và một nguyên tử oxy (CO). Đây là khí không màu, không mùi, không vị, dễ cháy, có độc tính cao.

    ngo doc khi CO anh 2

    Bệnh nhân ngộ độc khí CO tại căn bếp ở Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.

    CO là sản phẩm chính của quá trình cháy không hoàn toàn các hợp chất chứa carbon. Phân tử CO có liên kết ba bền vững, trơ ở nhiệt độ thường nhưng hoạt động mạnh ở nhiệt độ cao. Chúng cũng là chất khử mạnh, oxit trung tính, không tạo muối với axit hoặc bazơ ở nhiệt độ thường.

    Trong đời sống, CO sinh ra từ đốt cháy không hoàn toàn than, củi, xăng, dầu, khí đốt trong bếp lò, lò sưởi, đèn lồng, bếp gas, máy phát điện, động cơ xe, đặc biệt trong phòng kín hoặc thông gió kém. Khói thuốc lá cũng là nguồn CO, tuy nhỏ nhưng đáng kể.

    Trong công nghiệp, CO phát sinh từ lò nung, lò đốt, nhà máy điện than, xưởng cơ khí, nhà máy hóa chất, lọc dầu, thép, bia, các không gian kín, máy phát điện di động, động cơ xăng dầu, máy rửa áp lực, xe nâng.

    Bác sĩ Hoàng cho hay trong môi trường lao động, đặc biệt các ngành công nghiệp nặng như sản xuất vật liệu xây dựng (lò gạch, nhà máy gạch men) và các xưởng công nghiệp, nguy cơ phơi nhiễm CO rất cao.

    Theo bác sĩ Hoàng, khí CO có khả năng gây tử vong nhanh chóng do cơ chế tác động phức tạp ở mức phân tử và trên toàn bộ cơ thể. Khi hít phải, CO khuếch tán nhanh qua phế nang vào máu và gắn chặt với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu với ái lực cao gấp 200-270 lần so với oxy, tạo thành carboxyhemoglobin (COHb).

    Sự hình thành COHb làm cho hemoglobin mất khả năng vận chuyển oxy đến các mô và làm giảm khả năng nhả oxy ở các cơ quan và mô. Do đó, dù có oxy trong máu nhưng các mô, đặc biệt là não và tim, vẫn không nhận đủ oxy để hoạt động.

    Ngoài ra, CO còn gắn vào các enzyme quan trọng trong ty thể, như cytochrome C oxidase, làm gián đoạn chuỗi vận chuyển điện tử, dẫn đến giảm sản xuất năng lượng và tăng tích tụ các gốc oxy tự do (ROS), gây tổn thương tế bào. Các cơ quan nhạy cảm như não và tim đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.

    Não, vốn rất nhạy cảm với thiếu oxy, sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng rối loạn chức năng, phù nề, xuất huyết nhỏ và hoại tử tế bào thần kinh. Tim cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi CO gắn với myoglobin, làm suy giảm khả năng co bóp, gây đau ngực, rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến suy tim.

    ngo doc khi CO anh 3

    Theo bác sĩ Hoàng, khí CO có khả năng gây tử vong nhanh chóng do cơ chế tác động phức tạp ở mức phân tử và trên toàn bộ cơ thể. Ảnh: Freepik.

    "Cơ chế này giải thích tại sao nạn nhân có thể bất tỉnh đột ngột hoặc tử vong nhanh chóng. Ngoài việc làm giảm cung cấp oxy, CO còn làm oxy còn lại trong máu khó được giải phóng cho các mô, đồng thời gây tổn thương tế bào trực tiếp. Ở phụ nữ mang thai, thai nhi còn nhạy cảm hơn vì COHb tồn tại lâu hơn và làm tăng nguy cơ tổn thương mô thai", bác sĩ Hoàng phân tích.

    Xử trí khẩn cấp và sơ cứu ban đầu ngộ độc khí CO

    Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho hay khi nghi ngờ ngộ độc khí CO, điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người cấp cứu, tránh vào khu vực nhiễm độc nếu không có thiết bị bảo hộ. Hành động nhanh chóng là yếu tố sống còn giúp giảm di chứng cho nạn nhân.

    Tại hiện trường, cần mở cửa thông gió, tắt nguồn phát sinh CO nếu an toàn. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra nơi thoáng khí và gọi cấp cứu khẩn cấp. Nếu nạn nhân ngừng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo ngay. Nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng còn thở, đặt nằm nghiêng để giữ đường thở thông thoáng, tránh hít phải chất nôn, đồng thời theo dõi dấu hiệu sinh tồn đến khi có hỗ trợ y tế.

    Khi vào bệnh viện, liệu pháp oxy 100% giúp đẩy CO ra khỏi hemoglobin, giảm thời gian bán thải COHb từ 4 giờ xuống dưới 90 phút. Với trường hợp nặng, có biến chứng tim mạch, thay đổi ý thức hoặc COHb trên 25%, đặc biệt phụ nữ mang thai, cần dùng oxy cao áp (HBO). HBO giảm thời gian bán thải COHb còn khoảng 23 phút, đồng thời bảo vệ mô não và tim khỏi tổn thương nghiêm trọng do thiếu oxy.

    'Vệ sĩ' vô hình của con người

    Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.

    Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

    Bạn đang đọc bài viết "Vì sao khí CO không màu, không mùi giết người nhanh chóng?" tại chuyên mục TIN TỨC.