3 thói quen buổi sáng 'đầu độc' dạ dày, cực hại đường ruột

17/07/2025 19:00

Bạn không nên bỏ bữa sáng hay ăn sáng quá muộn, uống cà phê, đồ lạnh khi đói vì những hành vi này có thể gây tổn thương dạ dày, đường ruột và cản trở tiêu hóa.

    Uống nước lạnh vào buổi sáng sớm có thể gây sốc cho đường ruột, tổn thương dạ dày. Ảnh: Very Well Health.

    Khi nói đến sức khỏe đường ruột, dạ dày, việc duy trì thói quen buổi sáng lành mạnh rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta có thể bắt đầu ngày mới bằng những hành động tưởng vô hại nhưng không tốt cho sức khỏe dạ dày.

    Dưới đây là những thói quen bạn nên tránh để bảo vệ dạ dày, giữ đường ruột luôn sạch sẽ.

    Uống đồ lạnh, trà hoặc cà phê đặc khi đói

    Theo Vogue, đồ uống lạnh có thể gây sốc cho đường ruột, đặc biệt là vào buổi sáng sớm. Đồ uống ấm hoặc nóng dễ xử lý hơn với cơ thể và có thể kích thích đường ruột hoạt động tốt hơn nhiều so với đồ uống lạnh. Cơ thể cũng phải tiêu tốn năng lượng hơn để làm ấm đồ uống lạnh, gây tiêu hao năng lượng suốt cả ngày.

    Trong khi đó, uống trà hoặc cà phê đặc ngay khi thức dậy là một trong những thói quen tồi tệ nhất với dạ dày. Caffeine là chất mạnh được cơ thể hấp thụ rất nhanh, đặc biệt là khi bụng đói. Đồ uống chứa caffeine kích thích lớp lót dạ dày, làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit. Do đó, nên tránh trà và cà phê lúc bụng trống rỗng để bảo vệ niêm mạc dạ dày, đặc biệt là những người đang mắc bệnh dạ dày.

    Bạn mất nước nhiều hơn bạn nghĩ vào ban đêm, nên việc bù nước sớm bằng cốc nước lọc ấm, có thể kèm theo lát chanh hoặc mật ong, là cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới và sẽ nhanh chóng trở thành điều cơ thể yêu thích.

    Sau đó, hãy cố gắng ăn sáng trước rồi mới uống cà phê, trà để giảm tác động của những đồ uống này lên dạ dày.

    Bỏ bữa sáng hoặc ăn sáng quá muộn

    Theo NDTV, nhiều người có thói quen nhịn ăn sáng với lý do giảm cân hoặc không có thời gian. Tuy nhiên, điều này có thể khiến cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, gây đau ốm, sức khỏe suy yếu, đặc biệt đối với người bị đau dạ dày.

    Khi bạn nhịn ăn sáng, dạ dày trống rỗng, chúng tiết ra axit dịch vị và co bóp nhiều hơn. Đây là tác nhân chính gây ra các cơn đau dạ dày khi đói.

    Đặc biệt, nếu axit dạ dày tiết ra ít hơn nhu cầu cần thiết, quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ bị ứ đọng, gây nên tình trạng chướng bụng, khó tiêu sau khi ăn. Trong khi đó, axit dạ dày tiết nhiều hơn bình thường sẽ gây tác động ăn mòn niêm mạc dạ dày và dễ gây viêm loét dạ dày.

    Ngoài ra, theo Aboluowang, thời điểm tốt nhất cho bữa sáng là 6:00-8:00 vì lúc này axit dạ dày tiết ra mạnh, hấp thụ thức ăn sẽ tốt cho cơ thể. Ăn sáng sau 9h sẽ gây ra cảm giác không ngon miệng, đầy bụng, cản trở tiêu hóa trước khi tới bữa trưa.

    Thoi quen hai da day anh 1

    Bỏ bữa sáng hoặc ăn sáng quá muộn là thói quen không tốt cần loại bỏ sớm. Ảnh: Shutterstock.

    Làm mọi việc vội vàng

    Theo The Healthy, việc vội vã vào buổi sáng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tiêu hóa và dạ dày theo nhiều cách. Nếu bạn không có thời gian rảnh vào buổi sáng, điều này có thể đồng nghĩa với việc bạn không có thời gian thư giãn để đi vệ sinh.

    Nhiều người cố nằm trên giường thêm chút nữa, có khi đến tận lúc đi làm và nhịn đi vệ sinh. Tuy nhiên, điều này thường cản trở nhu động ruột ngay từ đầu, khiến bạn cảm thấy khó chịu suốt cả ngày.

    Thói quen này trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng khác như đầy hơi, khó chịu ở bụng, chướng bụng và làm trầm trọng thêm vấn đề tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), nếu có.

    Một thói quen xấu khác thường xảy ra khi chúng ta vội vàng là vừa đi vừa ăn. Điều này khiến bạn không nhai thức ăn đúng cách. Ngồi một chỗ và nhai kỹ là điều cần thiết để quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ. Khi thức ăn được nhai kỹ, bạn sẽ tiết ra nhiều nước bọt, chứa các enzyme tiêu hóa.

    Động tác nhai cũng báo hiệu cho dạ dày biết sắp có thức ăn, giúp dạ dày chuẩn bị bằng cách sản xuất thêm enzyme và axit dạ dày. Khi bạn không nhai kỹ thức ăn, nước bọt và các enzyme tiêu hóa sẽ bị thiếu hụt, dẫn đến đầy hơi, khó tiêu và vấn đề tiêu hóa khác. Ngoài ra, nhai kỹ còn giúp giảm nguy cơ trào ngược axit trong suốt cả ngày.

    Vội vàng làm mọi việc vào buổi sáng cũng làm tăng cảm giác căng thẳng. Khi chúng ta căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra adrenaline, và hormone này làm hệ tiêu hóa ngừng hoạt động. Do đó, căng thẳng là yếu tố chính làm giảm phản ứng tiêu hóa.

    Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc.