Thận đang 'kêu cứu' nhưng bạn không biết

27/07/2025 12:00

Nhiều người chỉ biết mình mắc suy thận khi đã ở giai đoạn cuối. Trong khi đó, những dấu hiệu như tiểu đêm nhiều, phù chân hay mệt mỏi kéo dài lại là lời cảnh báo sớm ít người biết.

    Bệnh nhân điều trị suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Nguyên Hà.

    PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ chỉ trong một tuần khám bệnh, ông tiếp nhận 6 trường hợp bị bệnh thận mạn giai đoạn 4-5. Đáng chú ý, tất cả là người trẻ hoặc trung niên dưới 45 tuổi.

    "Thật sự đáng tiếc và buồn", ông nói.

    Đây là những trường hợp không phải hiếm gặp trong thực hành lâm sàng, phản ánh thực trạng nhiều bệnh nhân tại Việt Nam chỉ phát hiện bệnh thận khi đã ở giai đoạn nặng, đối mặt với nguy cơ chạy thận hoặc ghép thận.

    Nguyên nhân phát hiện suy thận khi đã muộn

    Theo PGS Tuyển, 3 nhóm nguyên nhân chính khiến bệnh nhân phát hiện suy thận quá muộn.

    Thứ nhất là từ phía người bệnh. Nhiều người thiếu hiểu biết hoặc chủ quan, không biết rằng bệnh thận mạn có thể tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ ràng. Chỉ khi xuất hiện phù nề, tiểu ít, mệt mỏi kéo dài hoặc huyết áp tăng cao, bệnh mới được phát hiện thì đã ở giai đoạn cuối.

    Ngoài ra, người dân thường không có thói quen tầm soát định kỳ bằng các xét nghiệm đơn giản như kiểm tra protein niệu hoặc đo creatinin máu. Đặc biệt, ngay cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, người trên 60 tuổi hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh thận cũng ít được kiểm tra chức năng thận định kỳ.

    Bên cạnh đó, chi phí khám bệnh, tâm lý e ngại phải điều trị lâu dài cũng khiến nhiều người trì hoãn việc đi khám.

    Nhóm nguyên nhân thứ hai đến từ hệ thống y tế. Tại tuyến cơ sở như trạm y tế xã, huyện, trình độ chuyên môn còn hạn chế, dễ bỏ sót các dấu hiệu sớm của bệnh thận mạn. Thiếu các thiết bị xét nghiệm định lượng creatinin và albumin niệu, cùng với việc chưa có hướng dẫn sàng lọc cụ thể khiến bệnh nhân không được phát hiện kịp thời.

    dau hieu suy than anh 1

    Nhiều người thiếu hiểu biết hoặc chủ quan, không biết rằng bệnh thận mạn có thể tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ ràng. Ảnh: NH.

    "Ngoài ra, hệ thống chuyển tuyến chưa linh hoạt khiến nhiều ca bệnh bị trì hoãn điều trị đúng mức, chỉ được chuyển lên tuyến trên khi bệnh đã tiến triển nặng. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có một chương trình quốc gia riêng về quản lý và sàng lọc bệnh thận mạn tại cộng đồng như đã từng áp dụng cho bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp", PGS Tuyển nói.

    Cuối cùng, theo vị chuyên gia, chính đặc điểm "im lặng" của bệnh thận khiến nó dễ bị bỏ qua. Không giống như nhiều bệnh khác, bệnh thận mạn không gây đau, sốt hoặc tiểu máu rõ rệt. Việc chẩn đoán sớm bắt buộc phải dựa vào xét nghiệm, không thể chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng.

    Làm sao để phát hiện sớm?

    Để khắc phục tình trạng phát hiện bệnh muộn, PGS Tuyển đề xuất 4 nhóm giải pháp đồng bộ.

    Giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh truyền thông và giáo dục cộng đồng về bệnh thận mạn. Cần tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá hoặc lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài.

    Đồng thời, người dân cần được cung cấp thông tin về các dấu hiệu cảnh báo sớm như tiểu đêm, phù chân, mệt mỏi kéo dài và lợi ích của việc tầm soát sớm. Việc truyền thông có thể thông qua mạng xã hội, đài phát thanh địa phương hoặc trạm y tế xã, phường.

    Giải pháp thứ hai là triển khai tầm soát bệnh thận mạn theo nhóm nguy cơ. Cụ thể, những người từ 60 tuổi trở lên, người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì hoặc có người thân mắc bệnh thận nên được kiểm tra định kỳ mỗi năm.

    Các xét nghiệm cần thiết chỉ bao gồm đo albumin niệu bằng test nhanh hoặc tỷ lệ albumin/creatinin, kết hợp với xét nghiệm creatinin máu để ước tính độ lọc cầu thận (eGFR). Việc này hoàn toàn có thể triển khai tại trạm y tế hoặc bệnh viện tuyến huyện nếu có hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên.

    dau hieu suy than anh 2

    Người dân cần được cung cấp thông tin về các dấu hiệu cảnh báo sớm như tiểu đêm, phù chân, mệt mỏi kéo dài và lợi ích của việc tầm soát sớm. Ảnh: Việt Linh.

    Giải pháp thứ 3 là tăng cường năng lực cho y tế tuyến cơ sở. Theo vị chuyên gia cần tổ chức đào tạo chuyên môn cho bác sĩ tuyến huyện, xã về cách nhận biết bệnh thận mạn sớm, kỹ năng tư vấn để làm chậm tiến triển bệnh, cũng như xác định thời điểm cần chuyển tuyến kịp thời.

    "Các hướng dẫn lâm sàng nên được xây dựng theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với điều kiện tuyến dưới. Ngoài ra, việc cung cấp phần mềm hỗ trợ tính eGFR và quản lý hồ sơ bệnh nhân thận mạn tại cộng đồng cũng rất cần thiết", ông nhấn mạnh.

    Giải pháp cuối cùng là hoàn thiện chính sách và cơ chế tài chính. Bộ Y tế nên sớm ban hành hướng dẫn quốc gia về quản lý bệnh thận mạn tại cộng đồng. Đồng thời, bảo hiểm y tế nên chi trả cho xét nghiệm tầm soát định kỳ ở nhóm nguy cơ cao. Nhà nước cũng cần hỗ trợ giá thuốc và phương tiện điều trị bảo tồn, nhằm trì hoãn thời điểm người bệnh phải chạy thận.

    PGS.TS Đỗ Gia Tuyển cũng khuyến cáo người dân kiểm tra chức năng thận ít nhất mỗi năm 1 lần nếu bạn trên 40 tuổi hoặc có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch.

    "Nếu đang mắc các bệnh lý này, đừng quên hỏi bác sĩ về chức năng thận của mình. Cần tránh lạm dụng thuốc giảm đau hoặc dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Duy trì thói quen uống đủ nước, kiểm soát cân nặng và ngưng hút thuốc lá cũng là những biện pháp giúp bảo vệ thận", BS Tuyển cho hay.

    Khi thấy dấu hiệu bất thường như tiểu ít, phù chân, tiểu đêm nhiều, người dân nên đi khám sớm. Ngoài ra, người bệnh nên mang theo sổ khám bệnh mỗi lần đến khám để bác sĩ có thể đánh giá tiến triển bệnh theo thời gian.

    "Tôi biết nói thì dễ, nhưng thực hiện được không hề đơn giản. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu từ bây giờ, số người phát hiện bệnh thận mạn ở giai đoạn muộn sẽ ngày càng nhiều" PGS Tuyển bày tỏ.

    Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.

    Bạn đang đọc bài viết "Thận đang 'kêu cứu' nhưng bạn không biết" tại chuyên mục TIN TỨC.