![]() |
Cuộc sống bận rộn, vội vã luôn là "cái cớ" để nhiều người không ăn sáng. Ảnh: Shutterstock. |
Bữa sáng thường được gọi là "bữa ăn quan trọng nhất trong ngày", nhưng nhiều người trong chúng ta lại bỏ qua nó vì buổi sáng bận rộn, chán ăn, hoặc đơn giản là không ưu tiên ăn sáng.
Bỏ bữa sáng có thể dẫn đến nhiều tác động ngắn hạn và dài hạn. Dưới đây là một số tác hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và hạnh phúc tổng thể nếu bạn thường xuyên duy trì thói quen này.
Sụt giảm năng lượng cả ngày
Theo Eating Well, khi thức dậy vào buổi sáng, lượng đường trong máu sẽ thấp hơn, và nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể bị mệt mỏi hoặc lú lẫn. Bữa sáng sẽ cung cấp đủ carbohydrate để giúp duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh, giúp tăng cường năng lượng, tập trung tinh thần và phát triển trí não mà bạn cần.
Tổn thương dạ dày
Theo Health Digest, sau một đêm dài không ăn, dạ dày ở trạng thái trống rỗng nhưng vẫn tiếp tục tiết ra dịch vị để chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa. Khi không có thức ăn đưa vào, lượng axit này sẽ tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, dễ gây kích ứng, viêm và tổn thương thành bao tử.
Về lâu dài, thói quen nhịn ăn sáng có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, trào ngược axit, đau dạ dày mạn tính và rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, việc bỏ bữa sáng còn ảnh hưởng đến chuyển hóa đường huyết, làm tăng cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung vào buổi sáng và tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa nếu lặp lại thường xuyên.
Gây hại gan
Sau một đêm dài không ăn, cơ thể sử dụng glycogen dự trữ trong gan để duy trì mức đường huyết ổn định. Nếu không ăn sáng, nguồn glycogen này tiếp tục bị cạn kiệt, buộc gan phải tăng cường phân giải glycogen và kích thích quá trình tân tạo đường (gluconeogenesis), tạo thêm gánh nặng cho gan.
Bên cạnh đó, bỏ bữa sáng có thể làm giảm độ nhạy insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa glucose và tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, bao gồm gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
![]() |
Bỏ bữa sáng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài. Ảnh: Freepik. |
Gây ra các vấn đề về thận
Thông thường, buổi sáng là thời điểm túi mật hoạt động bài tiết dịch để chuẩn bị cho việc tiêu hóa thức ăn. Khi bạn không ăn sáng, mật không có thức ăn để tiêu hóa, khiến dịch mật tích tụ trong túi mật và đường ruột. Điều này tạo ra nhiều cholesterol xấu, dẫn đến hình thành sỏi thận, tăng nguy cơ suy thận và nhiều vấn đề khác về thận.
Gây tăng cân
Nếu bạn vừa tăng thêm vài cân mà không rõ lý do, đó có thể là do bạn đang thường xuyên bỏ bữa sáng. Thật vậy, bỏ bữa sáng có thể góp phần gây tăng cân. Nguyên nhân là cơ thể đã bị đói suốt đêm, và nếu bạn trì hoãn việc ăn sáng, cơ thể sẽ bắt đầu thèm ăn đồ ngọt và chất béo.
Ngoài ra, khi đói, rất có thể bạn sẽ ăn mọi thứ tìm thấy mà không cần nghĩ đến lượng calo mình đang nạp vào. Điều này có thể góp phần làm tăng cân về lâu dài. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra béo phì có liên quan đến việc bỏ bữa sáng.
Nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao hơn
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA, nam giới bỏ bữa sáng có nguy cơ đau tim cao hơn 27% so với những người ăn sáng đều đặn. Ăn sáng lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ đau tim.
Việc bỏ bữa sáng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và dẫn đến tắc nghẽn động mạch. Điều này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch mạn tính, chẳng hạn như đột quỵ.
Trong khi đó, nghiên cứu do Trường Y tế Công cộng Đại học Harvard thực hiện kết luận những phụ nữ có thói quen bỏ bữa sáng luôn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn. Thậm chí, những phụ nữ chỉ ăn vài miếng trước khi bắt đầu ngày mới có sức khỏe tốt hơn.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.